Nghiên cứu công bố mới đây cho biết, khí tê dùng trong chữa răng – một tên gọi khác của nitơ oxit - hiện đang là mối đe dọa lớn nhất đối với tầng ozon của Trái đất.
Tầng ozon, lớp bảo vệ khí quyển thuộc tầng bình lưu, giúp bảo vệ động thực vật trên Trái đất khỏi tác hại của tia cực tím từ mặt trời.
Vào năm 1987, các quốc gia trên thế giới đã thống nhất việc loại bỏ các hợp chất chlorofluorocarbon (CFC), những chất khí làm lạnh được dùng phổ biến trong tủ lạnh và máy điều hòa nhiệt độ. Đây chính là thủ phạm xâm hại bầu khí quyển và làm giảm bề dày tầng ozon đi 5% trên toàn thế giới.
Lượng thải CFC đã nhanh chóng giảm đi sau lệnh cấm, và tới giữa thế kỉ này tầng ozon sẽ hoàn toàn hồi phục theo thông tin từ tổ chức Khí tượng học Thế giới.
Nhưng phát thải nitơ oxit hiện đang ở mức 10 triệu tấn mỗi năm có thể biến những nỗ lực trên thành vô nghĩa.
Mở rộng sản xuất trồng trọt cùng số lượng vật nuôi tăng vọt có thể làm tăng lượng khí tê thải ra thông qua phân bón và các chất thải của gia súc.
“Tầng ozon sẽ không thể tiếp tục hồi phục theo tiến trình mà chúng ta đã dự đoán,” theo A. R. Ravishankara, trưởng nhóm nghiên cứu, cán bộ Cơ quan quản lý Khí hậu và Đại dương Quốc gia có trụ sở đặt tại Boulder, Colorado.
Cắt giảm nitơ oxit – một giải pháp kép
Với việc sử dụng một mô hình máy tính về khí quyển, Ravishankara cùng các đồng nghiệp đã tính toán mức độ tác động của nitơ oxit lên tầng ozon.
(Ảnh : Unlisted Images/Photolibrary) |
Nhóm nghiên cứu phát hiện ra rằng tác động của nitơ oxit cũng dữ dội như rất nhiều hợp chất CFC đã bị cấm.
Nitơ oxit thải ra ngày nay sẽ có tác hại lâu dài: “Thời gian tồn tại của nitơ oxit là khoảng 100 năm, tương đương với nhiều hợp chất CFC,” Ravishankara nói.
Trong khi đó, các hợp chất CFC vẫn được tìm thấy trong khí quyển ngày nay, cũng đang tiếp tục phá hủy tầng ozon.
Tổ chức Y tế Thế giới WHO cho hay, hàng triệu ca ung thư da gây ra bởi tia UV sẽ xuất hiện trong thế kỉ 21 này do tác động của các hợp chất CFC lên tầng ozon.
Hơn nữa, nitơ oxit cũng đồng thời là một khí nhà kính, tức là nó cũng có khả năng bẫy nhiệt và thúc đẩy quá trình nóng lên của Trái đất.
“Đó là lí do vì sao cắt giảm nitơ oxit lại là một giải pháp kép cho vấn đề khí hậu và môi trường,” John Daniels, đồng tác giả nghiên cứu, phát biểu.
Sức ép từ sản xuất nông nghiệp
Các biện pháp canh tác hiện đại chính là thủ phạm của việc tăng nitơ oxit nhân tạo.
Detlef van Vuuren, cán bộ của cơ quan Đánh giá Môi trường Hà Lan, người không tham gia vào nghiên cứu lần này, cho biết: nitơ oxit cũng được thải ra với mức thấp hơn từ rác cống và phương tiện giao thông.
Nhưng dân số thế giới ngày càng tăng, và đời sống ngày càng được cải thiện, từ đó việc sử dụng phân bón hóa học và tiêu thụ thịt trong bữa ăn cũng tăng lên, điều này càng góp phần làm tăng lượng nitơ oxit trong bầu khí quyển.
Dân số tăng nhanh cũng gây sức ép lên diện tích đất trồng trọt hiện tại, do đó, giảm mức tiêu thụ thịt sẽ tạo ra một sự khác biệt rõ rệt, van Vuuren nói.
“Ăn ít thịt hơn không chỉ giúp giảm số lượng gia súc,” ông nói, “mà còn giảm lượng phân bón dùng trong sản xuất thức ăn cho gia súc.”
Các nhà nghiên cứu cũng đang thử nghiệm các biện pháp canh tác ít thải ra nitơ oxit mà vẫn đảm bảo đủ thức ăn cho gia súc, ví dụ như biện pháp trồng cây mà không cày bừa để tránh làm thoát khí nitơ trong đất ra không khí.
Một hướng triển khai khác là tăng cường than nhiệt phân (biochar) cho đất, làm màu mỡ đất trồng, từ đó giảm nhu cầu sử dụng phân bón.
“Nếu tiến hành đồng thời tất cả các biện pháp kể trên, con người sẽ giảm được lượng nitơ oxit xuống khoảng 30 – 40 % so với hiện tại,” van Vuuren nói.
Nhưng “tôi không thấy có bất kì cách nào nhanh chóng loại bỏ hoàn toàn nitơ oxit trong khí quyển”, ông nói thêm.