Các nhà khoa học Australia phát hiện ra rằng những cặp uyên ương đến với nhau vì tình yêu vẫn cần rất nhiều thứ khác để tạo nên gia đình hạnh phúc.
Ảnh: wordpress.com.
China Daily cho biết, các nhà khoa học của Đại học Quốc gia Australia theo dõi gần 2.500 cặp đã đăng ký kết hôn hoặc chung sống không hôn thú - từ năm 2001 tới 2007 để xác định những nhân tố liên quan tới cuộc sống hạnh phúc.
Họ nhận thấy nếu người đàn ông kết hôn trước tuổi 25 hoặc lớn hơn vợ từ 9 tuổi trở lên có nguy cơ tan vỡ cao gấp hai lần so với những đối tượng khác.
Con cái cũng có vai trò quan trọng đối với mức độ bền vững của quan hệ hôn nhân. 1/5 số cặp uyên ương có con trước khi chung sống đã cắt đứt quan hệ trong khoảng thời gian nghiên cứu diễn ra. Trong khi đó, chỉ có 9% số cặp uyên ương không có con trước khi chung sống ly dị.
Những phụ nữ yêu và cần con hơn bạn đời cũng dễ ly hôn hơn so với những chị em khác
Cha mẹ hai bên cũng có vai trò lớn trong mối quan hệ của cặp vợ chồng. 16% người có cha mẹ ly thân hoặc ly hôn rơi vào cảnh đổ vỡ hôn nhân, so với tỷ lệ 10% đối với những người mà cha mẹ vẫn gắn bó.
Nếu một cá nhân kết hôn lần thứ hai trở lên thì nguy cơ tan vỡ hôn nhân của người đó cao hơn tới 90% so với người kết hôn lần đầu.
Một điều mà hẳn nhiều người không thấy ngạc nhiên là: Tiền đóng vai trò quan trọng trong hôn nhân. 16% cặp đôi chấm dứt quan hệ vì sự nghèo khó hoặc tình trạng thất nghiệp. Tỷ lệ ly hôn và ly thân ở những cặp có nền tảng tài chính vững chắc là 9%.
Nếu trong một gia đình có một người hút thuốc còn người kia không hút thì nguy cơ tan vỡ cũng cao hơn các gia đình khác.
Nghiên cứu cho thấy những nhân tố không ảnh hưởng tới mức độ bền vững hôn nhân gồm số lượng con và tình trạng việc làm của người phụ nữ.