Khoa học giải mã thành công bộ gene của giun móc

  •  
  • 1.179

Một nhóm các nhà khoa học quốc tế ngày 19/1 cho biết họ đã giải mã thành công bộ gene của giun móc, mở ra hy vọng sẽ sớm tìm được phương pháp điều trị hiệu quả hơn đối với các bệnh do ký sinh trùng gây ra.

Kết quả nghiên cứu này hiện đã được đăng tải trên tạp chí uy tín Di truyền học Tự nhiên (Nature Genetics) của Anh số ra ngày 18/1.

Qua quá trình phân tích, nhóm nghiên cứu đã xác định được bộ gene của giun móc, một yếu tố quan trọng giúp loài ký sinh trùng này xâm nhập vào vật chủ, "lẩn trốn" sự tấn công của hệ miễn dịch cơ thể.

Nhà khoa học Makedonka Mitreva thuộc Đại học Y khoa Washington (Mỹ), một trong những tác giả của nghiên cứu trên cho biết phát hiện mới đã cung cấp thông tin quan trọng về các phân tử cần thiết, vốn quyết định sự sống còn của giun móc. Những cơ sở mới là chìa khóa giúp giới y khoa xây dựng và phát triển các liệu pháp tiềm năng trong điều trị chống nhiễm trùng giun móc.

Khoa học giải mã thành công bộ gene của giun móc
Giun móc. (Ảnh: cdc.gov)

Qua nghiên cứu, các nhà khoa học cũng cho biết, Necator americanus hiện là một trong hai loài giun móc sống ký sinh phổ biến nhất ở người. Loài giun này chiếm ưu thế trong đất. Vòng đời của chúng bắt đầu bằng việc nở trứng trong phân của người nhiễm giun, sau đó nở ấu trùng trong lòng đất và tái lây nhiễm sang con người qua sự xâm nhập vào da.

Trung bình một con giun móc cái có thể đẻ tới 10.000 quả trứng mỗi ngày. Ấu trùng lây nhiễm có khả năng phát triển và tồn tại trong môi trường đất ẩm, nhất là đất cát và mùn. Giun trưởng thành có kích thước khoảng 1cm có thể hút tới 30 microlitres máu (1 phần triệu lít) mỗi ngày và tồn tại trong vật chủ khoảng 10 năm.

Giun móc được cho là sinh vật lây nhiễm cho khoảng 700 triệu người trên toàn thế giới. Chúng ăn máu trong ruột non gây thiếu sắt, suy dinh dưỡng, còi xương ở trẻ em và các biến chứng đối với phụ nữ mang thai.

Loài giun này rất dễ lây nhiễm ở những cộng đồng người nghèo đói thuộc vùng nhiệt đới và cận nhiệt đới. Chúng cũng có thể sống trong ruột non của vật chủ là các động vật có vú như chó, mèo, lợn...

Ho, đau ngực, thở khò khè hoặc sốt là những triệu chứng xảy ra ở những người tiếp xúc nhiều với ấu trùng giun móc.

Đau thượng vị, khó tiêu, nôn ói, táo bón hoặc tiêu chảy có thể xảy ra ở giai đoạn nhiễm sớm hoặc trễ mặc dù triệu chứng qua đường ruột có thể cải thiện theo thời gian.

Dấu hiệu nhiễm giun nặng là thiếu máu, thiếu đạm, người hốc hác, suy tim, bụng sưng phồng do tràn dịch màng.

Trước mức độ nguy hiểm của loài ký sinh trùng này, việc tìm ra các phương pháp điều trị mới là vô cùng cần thiết.

Ông Mitreva nhấn mạnh rằng, nhóm nghiên cứu hy vọng những thông tin thu được từ bộ gene của loài giun móc sẽ giúp đẩy nhanh các liệu pháp phát triển các loại vắc xin và quy trình chẩn đoán bệnh.

Theo Vietnam+
  • 1.179