Nhận được tin đứa con bé bỏng mình vừa hạ sinh đã qua đời, người mẹ chỉ biết ôm con thật chặt...
Dù đã rất nỗ lực suốt 3 năm liên tục nhưng David và Kate Ogg vẫn chưa có con. Thế nhưng một ngày đẹp trời nọ, tin tốt lành đã đến với hai vợ chồng: Kate mang song thai. Cặp đôi vui mừng khôn xiết và tất bật chuẩn bị mọi thứ để chào đón hai thiên thần chào đời. Nhưng đến tuần thứ 26 của thai kì, Kate được báo rằng cô có thể sẽ phải sinh sớm. "Đó là tin tức khủng khiếp nhất mà tôi từng được nghe", Kate nhớ lại.
Và vào ngày 25/3/2010, hai bé con của Kate đã ra đời cách nhau 2 phút. Ngay sau khi bác sĩ đã mang hai thiên thần nhỏ ra khỏi cơ thể Kate, trong khi Kate vẫn đang háo hức muốn biết diện mạo, giới tính của hai con thì cô nhận được tin dữ: bé trai cô dự định đặt tên Jamie đã qua đời, sau 20 phút nỗ lực cố gắng cứu Jamie của các bác sĩ.
Kate chia sẻ với DailyMail của Úc: "Cả hai sinh ra trong cùng túi ối nhưng Jamie không khóc khi các bác sĩ rạch túi ra. Emily thì bật ra tiếng khóc rất lớn. Tôi nhìn quanh thì thấy mọi người vây quanh Jamie - khi đó có khoảng 20 người trong phòng. Dự cảm khi đó không hề tốt. Jamie ngưng thở và nhịp tim của con gần như không còn. Sau 20 phút cứu chữa, các bác sĩ thôi hy vọng".
Không muốn con phải lạnh lẽo, vợ chồng Kate quyết định ôm con vào lòng cho con cảm nhận hơi ấm từ bố mẹ. (Ảnh: supplied).
Không muốn con mình phải ra đi trong lạnh lẽo, Kate đã ôm con vào lòng và thầm chào con lần cuối. Kate xúc động cho biết: "Tôi lập tức đòi ôm Jamie, đề nghị mọi người rời khỏi. Tôi biết con rất lạnh và chỉ muốn ôm để con ấm hơn. Tôi muốn gặp con, nói chuyện với con, cho con gặp gỡ chúng tôi. Nếu thực sự con chỉ còn con đường rời khỏi thế giới này, chúng tôi và muốn cho con biết bố mẹ nó là ai, và cảm nhận được tình cảm của chúng tôi dành cho con". Và thế là cô đã thực hiện da tiếp da với con, cô cũng bảo chồng cởi áo ra và ôm con cùng với mình. Cứ thế, hai vợ chồng ôm chặt đứa con bé bỏng trong vòng tay...
Nhưng trong giây phút chia tay đầy xúc cảm ấy, chỉ 5 phút sau khi Kate và David ôm Jamie, cậu bé bỗng dưng có những cử động nhẹ. Và khi Kate cùng David cùng theo dõi, cử động của Jamie dần rõ rệt hơn. Tuy nhiên, các bác sĩ vẫn không cho rằng đó là dấu hiệu của sự sống. Kate và David vẫn hồi hộp theo dõi cử động của con trai. "Chúng tôi chỉ muốn những giây phút cuối cùng sẽ thật đáng giá", Kate cho biết.
Và rồi mắt Jamie bắt đầu mở ra, những ngón tay bé nhỏ của em nắm lấy tay David, nắm rất chặt. "Jamie gục đầu lên ngực tôi rồi nhìn chằm chằm vào bố nó. Đó là điều tuyệt vời nhất mà chúng tôi được trải qua. Chúng tôi nhận ra rằng bởi vì chúng tôi ôm con và bởi vì thân nhiệt của tôi cùng David đã làm ấm cơ thể con từ từ nên Jamie đã quay về với chúng tôi. Chúng tôi không ngừng ôm con dù cho đã về nhà bởi chúng tôi biết da tiếp da thực sự quá tuyệt vời. Đó là cách cứu sống Jamie".
Trong giây phút chia tay đầy xúc cảm ấy, chỉ 5 phút sau khi Kate và David ôm Jamie, cậu bé bỗng dưng có những cử động nhẹ... (Ảnh: Supplied).
Giờ đây, Jamie và cô bé Emily đã được 6 tuổi. Jamie kể từ khi rời khỏi bệnh viện đã không gặp bất kì vấn đề sức khỏe nghiêm trọng nào. Không chỉ vậy, gia đình Kate đã đón thành viên thứ 5 - bé Charlie vào năm 2011. Đến nay, câu chuyện tuyệt vời, đầy phép màu về sự sống của Jamie vẫn được David và Kate kể cho các con nghe.
Jamie và em gái sinh đôi Emily. (Ảnh: Supplied).
Jamie, Emily và Charlie. (Ảnh: Supplied).
4 mẹ con chị Kate rạng rỡ bên nhau. (Ảnh: Supplied).
Gia đình nhỏ của Kate giờ đây luôn rộn tiếng cười. (Ảnh: Internet).
Các chuyên gia nói gì về phương pháp da tiếp da Sau khi sinh, phương pháp da tiếp da được công nhận là bước đơn giản để mẹ chào đón con đến với thế giới. Quá trình sinh nở đối với trẻ sơ sinh là cực kì căng thẳng và mệt mỏi. Unicef khuyên rằng mẹ nên ôm con da tiếp da để giúp con đáp ứng với môi trường mới. Điều này giúp "nhịp tim và hơi thở của con sẽ được kiểm soát tốt hơn" và đã có nhiều bằng chứng xác nhận rằng, da tiếp da giúp trẻ ít căng thẳng do quá trình sinh nở. Unicef khẳng định: "Chúng tôi thấy rằng trẻ sơ sinh được da tiếp da trong vòng một giờ sẽ giảm căng thẳng hơn sau quá trình sinh nở. Điều này nghĩa là nhịp tim, hơi thở của trẻ sẽ ổn định, ít khóc, bắt đầu bú và tiêu hóa tốt hơn. Khu vực ngực ấm hơn những bộ phận khác trên cơ thể người mẹ, sẵn sàng để chào đón trẻ và ngăn không cho trẻ hạ nhiệt. Trẻ quen với nhiệt độ ấm áp trong tử cung khoảng 37 độ, trong khi phòng sinh thường lạnh hơn, mà con lại còn bị ướt. Giống như việc bạn ra khỏi phòng tắm và cần phải làm khô, ấm người nhanh chóng". |