Khu di tích lò-mộ bằng đất nung đầu tiên ở Việt Nam

  •  
  • 1.347

Theo kết quả thẩm định hiện vật của Viện Khảo cổ học Việt Nam, khu di tích lò-mộ bằng đất nung vừa được phát hiện tại thôn Tân An, xã Xuân Sơn Nam, huyện miền núi Đồng Xuân (tỉnh Phú Yên) có niên đại từ thế kỷ 13.

Ngày 22/12, Phó Giám đốc Sở văn hóa-thể thao và du lịch tỉnh Phú Yên Phan Đình Phùng cho biết, Khu di tích lò-mộ Xuân Sơn Nam phát lộ sau trận lũ lịch sử năm 2009 có diện tích 3.725m2.


Khu di tích lò-mộ Xuân Sơn Nam. (Nguồn: Internet)

Cuối tháng 10/2010, Viện Khảo cổ học Việt Nam đã phối hợp cùng tỉnh Phú Yên tiến hành khai quật một phần khu di tích. Tại đây, nhóm khai quật đã phát hiện hàng loạt hiện vật lớn bằng đất nung hình thoi, có chiều dài từ 1,5-2m; rộng từ 0,8-1m. Bên trong những hiện vật này có dấu tích của than tro và xương người bị cháy.

Với kết quả trên, các nhà khoa học cho rằng đây là khu di tích lò-mộ bằng đất nung đầu tiên được phát hiện tại Việt Nam và chủ nhân của chúng là người Chăm.

Khu di tích thể hiện phong tục hỏa táng bên trong mộ đất nung của người Chăm ở giai đoạn lịch sử, văn hóa khoảng thế kỷ 13. Điều này càng làm phong phú hơn về nền văn hóa Chăm đã từng tồn tại trên vùng đất Phú Yên.

Theo ông Phan Đình Phùng, với nét độc đáo như trên, khu di tích lò-mộ bằng đất nung Xuân Sơn Nam cần được bảo quản. Tỉnh Phú Yên cần được sự hỗ trợ từ các Bộ, ngành ở Trung ương và cả nước ngoài để tiếp tục nghiên cứu khu di tích này.

Hiện tại, khu lò-mộ bằng đất nung vẫn chưa được thực hiện bất kỳ biện pháp bảo quản nào. Khu di tích nằm sát bờ hữu ngạn sông Kỳ Lộ, một trong những dòng sông lớn và có địa hình dòng chảy phức tạp, khu vực di tích rất dễ bị sạt lở.

Cùng với khu lò-mộ bằng đất nung Xuân Sơn Nam, tại Phú Yên, các nhà khoa học đã tìm ra được nhiều di tích Chăm cổ có giá trị văn hóa, lịch sử lớn và có nét độc đáo riêng biệt.

Tháp Chăm trên đỉnh Núi Nhạn (thành phố Tuy Hòa) có niên đại thế kỷ 11; di tích Núi Bà (huyện Tây Hòa) có niên đại thế kỷ 13. Đối diện với di tích Núi Bà, phía tả ngạn sông Ba là khu di tích Thành Hồ có niên đại kéo dài từ thế kỷ thứ 5 đến khoảng thế kỷ 15, 16 khi người Việt bắt đầu đặt chân đến vùng đất này...

Điều đặc biệt là ở các địa phương khác, di tích văn hóa Chăm thường được tìm thấy phía hữu ngạn các dòng sông khi Vương quốc Chămpa chịu áp lực di dân từ phương Bắc. Riêng tại Phú Yên, vẫn tồn tại những di tích hai bên dòng sông trải qua cùng một giai đoạn lịch sử.

Theo Vietnam+
  • 1.347