Kim tự tháp Ai Cập chứa đầy vỏ sò

  •   42
  • 2.627

Nhiều công trình nổi tiếng của Ai Cập cổ đại, như tượng Nhân sư và kim tự tháp Cheops, chứa hàng trăm nghìn hóa thạch biển, hầu hết chúng còn nguyên vẹn, nằm im trong các bức tường, một nghiên cứu mới tiết lộ.

Các chuyên gia tại Đại học Aegean và Đại học Athens đã phân tích khoáng vật học, cũng như cấu trúc và thành phần hóa học của những mẫu vật liệu nhỏ đục ra từ đền thờ Nhân Sư, kim tự tháp Cheops, Khefren, đền thờ Osirion Shaft, Valley, đền thờ Seti I tại Abydos và Qasr el-Sagha ở Fayum.

Việc phân tích bằng tia X và đo phóng xạ đã cho thấy vật liệu nguyên thủy để xây dựng các công trình là đá granite "hồng", granite đen và trắng, đá cát và nhiều loại đá vôi. Trong các khối đá vôi chứa vô số hóa thạch vỏ sò của loài nummulites gen. Chỉ riêng tại kim tự tháp Cheops, loại đá chứa chúng đã chiếm đến 40% toàn bộ các khối đá xây dựng.

Các chuyên gia cũng cho rằng vì các hóa thạch này phần lớn còn nguyên vẹn và được bố trí ngẫu nhiên trong đá, nêu các khối đá lớn dùng để xây dựng những công trình khổng lồ trên ắt hẳn phải được đẽo từ đá tự nhiên, chứ không phải được đúc như bê tông.

Tường của các công trình Ai Cập cổ đại chứa đầy vỏ sò. (Ảnh: planetware)

Tuy nhiên, Joseph Davidovits, giáo sư và là giám đốc tại Viện Geopolymer của Pháp, cho rằng nên xem xét kỹ trước khi đưa ra giả thuyết như vậy. Ông và các chuyên gia khác lại nghiêng về giả thuyết các khối đá được đúc ra theo kiểu bê tông.

"Không có bằng chứng nào cho thấy người Ai Cập cổ đại có cần cẩu. Mà không có cần cẩu, thì thật khó để hình dung bằng cách nào họ có thể nâng những khối đá khổng lồ, đôi khi nặng đến 200 tấn, lên cao", Robert Temple, một chuyên gia nghiên cứu về các tượng đài Ai Cập, ủng hộ quan điểm của Davidovits.

Tuy nhiên, Temple cũng phải đồng ý rằng "các khối đá vôi ở kim tự tháp Ai cập chứa nhiều vỏ sò, thường với số lượng lớn, và rất nhiều trong đó còn nguyên vẹn, với kích cỡ lớn".

T. An (Theo Discovery, VnExpress)
  • 42
  • 2.627