Theo Daily Mail, sinh vật đáng sợ đã được đặt tên Paraceratherium linxiaense, thuộc chi tê giác không sừng. Nhưng hình ảnh nhóm nghiên cứu từ Học viện Khoa học Trung Quốc ở Bắc Kinh tái hiện cho thấy nó không giống tê giác hiện đại là mấy.
Nghiên cứu được thực hiện trên một hộp sọ khổng lồ có niên đại 26,5 triệu năm, được khai quật ở Trung Quốc.
Chân dung "quái thú" 26,5 triệu tuổi, bên dưới là một con tê giác hiện đại nhỏ bé. (Ảnh đồ họa của nhóm nghiên cứu).
Quái thú này có thân mình khá giống khủng long cổ dài với 4 chân khá to, mình đồ sộ, tuy cổ ngắn hơn loài khủng long khổng lồ nói trên nhưng lại thon dài hơn tê giác hiện đại rất nhiều. Chỉ tính từ chân đến vai nó đã cao đến 4,8 mét, trong khi tê giác hiện đại chỉ cao gần 2 mét. Ước tính trọng lượng của quái thú là 11-20 tấn, tương đương 3-5 con voi châu Phi cộng lại và to hơn rất nhiều loài khủng long.
Theo Science Alert, tuy thân hình quái dị nhưng các phân tích cho thấy nó đúng là tê giác, thuộc chi tê giác không sừng. Các bằng chứng cổ sinh vật học khác cho thấy loài tê giác khổng lồ này đã di cư từ Cao nguyên Mông Cổ vào Tây Bắc Trung Quốc và Kazakhstan, rồi lan đến Pakistan, hoặc có thể đến Tây Tạng.
Trong thời mà nó sinh sống - khoảng 23 đến 34 triệu năm trước, thuộc kỷ Oligocen, Tây Tạng là một "miền đất hứa" với rừng rậm dồi dào nguồn sống, giúp chúng có thể tồn tại với thân hình đồ sộ. Đó có thể là nguyên nhân chính của sự di cư.
Nguyên nhân các quái thú này tuyệt chủng vẫn còn là một bí ẩn, theo bài công bố trên Communication Biology.