Kinh ngạc kỹ thuật cổ xưa lấy gỗ có một không hai của người Nhật

Kỹ thuật lấy gỗ mà không cần chặt cây độc đáo của người Nhật
  •   4,48
  • 8.082

Không cần chặt hạ cây xanh vẫn lấy được gỗ, kỹ thuật cổ xưa của người Nhật khiến thế giới kinh ngạc.

Tình trạng cháy rừng hoành hành khắp nơi cùng với tốc độ tan chảy nhanh chóng của các tảng băng đã làm dấy lên hồi chuông báo động về việc Trái Đất nóng lên ngoài tầm kiểm soát. Trước tình hình đó, việc trồng rừng đang trở thành một giải pháp khả thi để giải quyết cuộc khủng hoảng môi trường này. Học viện Công nghệ Massachusetts (MIT) ước tính rằng nỗ lực tái trồng rừng của họ có thể loại bỏ 70 tỷ tấn cacbon trong vòng 30 năm tới.

Nhưng liệu thực tế có được như vậy không? Việc trồng rừng không hề đơn giản như tưởng tượng vì chúng ta đang sử dụng một lượng lớn gỗ. Theo Reuters, nhiều nhà hoạt động vì môi trường, thậm chí là cả Liên Hiệp Quốc cũng khuyến nghị rằng thay vì nhựa, chúng ta nên sử dụng các sản phẩm làm từ gỗ để thân thiện với môi trường hơn.

Trước tình hình này, có một phương pháp vừa giúp chúng ta có thể lấy được gỗ, vừa không phải đốn chặt cây, đó là một kỹ thuật lâm nghiệp cổ xưa của Nhật Bản có tên Daisugi, được ứng dụng nhiều trên loại cây tuyết tùng Nhật.

Tuy đã được sử dụng tại Nhật Bản từ thế kỷ 14, nhưng cho đến thời điểm gần đây thì phương pháp này mới thu hút sự chú ý của giới truyền thông trên toàn thế giới như một giải pháp hiệu quả cho tình trạng phá rừng.

Daisugi là một kỹ thuật lâm nghiệp hàng thế kỷ được phát triển ở Nhật Bản không cần chặt cây vẫn lấy được gỗ, xuất phát từ phương pháp cắt tỉa trên gốc cây tuyết tùng.


Kĩ thuật Daisugi được phát triển vào thế kỷ 14.

Được phát minh bởi người dân vùng Kitayama từ thế kỷ 14, phương pháp này có thể áp dụng ở bất cứ vùng đất nào và cho phép nhà trồng cây rút ngắn chu trình thu hoạch, tăng sản lượng gỗ. Ngày nay kỹ thuật cổ xưa áp dụng nhiều ở các khu vườn trang trí.

Các chồi cây sau khi phát triển sẽ được cắt tỉa cẩn thận khoảng 2 năm một lần, chỉ để lại những cành trên cùng nhằm đảm bảo các nhánh sau phát triển theo chiều thẳng đứng. Do vậy người ta vẫn lấy được gỗ cần dùng nhưng không phải chặt cây tận gốc.


Những cây gỗ thẳng đứng không có nút thắt nhiều người ưa thích lựa chọn sử dụng làm trụ trong những ngôi nhà ở Sukiya-zukuri.

Sau khoảng 20 năm, những chồi cây khổng lồ có thể thu hoạch dưới dạng gỗ Kitayama hoặc được trồng lại để tái sinh rừng.

Hai thập kỷ có vẻ như là một thời gian dài, nhưng cây tuyết tùng được trồng bằng kỹ thuật daisugi thực sự phát triển với tốc độ nhanh hơn so với cây trồng trên đất.

Daisugi được phát triển vào thế kỷ 14, khi Sukiya-zukuri, một phong cách kiến ​​trúc đặc trưng bởi việc sử dụng các vật liệu tự nhiên nở rộ. Những khúc gỗ Kitayama thẳng và không có nút thắt nhiều người ưa thích lựa chọn sử dụng làm trụ trong những ngôi nhà ở Sukiya-zukuri.

Tuy nhiên, diện tích đất trồng có hạn, do vậy để đáp ứng nhu cầu, kỹ thuật Daisugi đã ra đời.


Đến nay ở Kyoto, Nhật Bản vẫn có những cây mẹ hàng trăm năm tuổi.

Đến khoảng thế kỷ 16, nhu cầu về gỗ tuyết tùng Kitayama đã giảm xuống, kỹ thuật daisugi cũng theo đó là được sử dụng hạn chế hơn. Dù vậy, vì hiệu ứng nổi bật của nó, daisugi vẫn được áp dụng ​​trong các khu vườn trang trí trên khắp Nhật Bản.

Đến ngày nay, những "cây mẹ" vẫn có thể tìm thấy ở một số khu vực nhất định của Nhật Bản. Một số trong những cây khổng lồ có đường kính khoảng 15 mét.

Một phiên bản khác của phương pháp quen thuộc

Mặc dù thu hút được rất nhiều sự quan tâm trong thời gian gần đây, kỹ thuật Daisugi này có vẻ không hề xa lạ đối với các chuyên gia lâm nghiệp phương Tây. Từ thời cổ đại, các nước phương Tây cũng đã thực hiện phương pháp mang tên “coppicing" (hay ghép rừng) với các bước thực hiện tương tự như Daisugi.

Phương pháp Daisugi được so sánh với phương pháp coppicing.
Phương pháp Daisugi được so sánh với phương pháp coppicing.

Đối với phương pháp coppicing, sau khi đốn hạ cây, người trồng sẽ giữ lại phần gốc và rễ của cây cũ, sau đó chăm sóc cẩn thận để kích thích chúng phát triển các chồi mới ngay trên gốc đã chặt.

Lợi ích của phương pháp này trong việc biến đổi khí hậu cũng đã được ghi nhận ở một số nơi thuộc Châu Âu. Vào năm 2018, Reforesting Scotland đã bắt đầu quảng bá phương pháp coppicing như một cách hữu hiệu để phục hồi những mảnh rừng cằn cỗi của quốc gia này. Tương tự như vậy, tại Áo, kỹ thuật này cũng được đánh giá cao trong công cuộc bảo vệ động vật hoang dã và chống lại biến đổi khí hậu.

Cập nhật: 01/07/2024 Theo infonet
  • 4,48
  • 8.082