Trong một nghiên cứu mới được công bố trên Tạp chí Lab on a Chip, nhóm chuyên gia thuộc Đại học Toronto (Canada) đã thử nghiệm thiết bị trên những vết thương nhỏ ở lợn và chuột. Kết quả cho thấy nó an toàn, tuy nhiên, thiết bị này vẫn chưa được thử nghiệm trên người và vẫn trong giai đoạn tiếp tục phát triển, DK vừa cho hay.
Thiết bị in da 3D cầm tay.
Một thiết bị mới giống súng bắn keo có thể in da bằng công nghệ in 3D. Các nhà khoa học hy vọng nó có thể sớm được đưa vào sử dụng để chữa lành các vết thương rất sâu.
Thiết bị này chỉ nặng chưa đầy 0,9kg, có thể phủ một lớp chất nhờn “mực sinh học” lên bề mặt vết thương. Loại mực này có chứa các thành phần thường có trong da như collagen - một loại protein giúp tế bào sinh sôi và phát triển, fibrin - loại protein hỗ trợ sự đông máu để lành vết thương. Đồng tác giả nghiên cứu Saeid Amini Nik, nhà sinh học tế bào tại Đại học Toronto, cho biết: “Tôi cho rằng máy in 3D có tiềm năng trong việc tạo các tế bào, đặc biệt là phân bổ chúng để tạo nên các cơ quan của cơ thể”.
Da là cơ quan lớn nhất của cơ thể và bao gồm 3 lớp chính. Lớp ngoài cùng của da gọi là lớp biểu bì được tạo thành từ các tế bào chết hay tế bào sừng, có tác dụng là màng ngăn chống mất nước. Lớp này cũng bao gồm các tế bào miễn dịch lympho có nhiệm vụ hỗ trợ tiêu diệt các vi trùng, và các tế bào Merkel cho chúng ta khả năng cảm nhận được cả những va chạm rất nhẹ.