Làm thế nào khi cơ thể nặng mùi?

  •  
  • 2.191

Đổ mồ hôi là một phản ứng bình thường của cơ thể, nhưng có thể gây mùi khó chịu khiến “khổ chủ” kém tự tin.

Thông thường, cơ thể tiết mồ hôi là để điều hòa thân nhiệt khi nhiệt độ môi trường tăng cao, vận động cường độ mạnh hay trong trạng thái căng thẳng, suy nhược, lo âu.

Cơ thể người có khoảng 4 triệu tuyến mồ hôi, tập trung ở trán, lòng bàn tay, bàn chân, lưng, bụng và nách. Chúng tiết ra hai loại mồ hôi; mồ hôi thường và mồ hôi dầu.

Nguyên nhân khiến mồ hôi có mùi khó chịu là do quá trình vi khuẩn phân hủy các chất mà mồ hôi tiết ra.
Nguyên nhân khiến mồ hôi có mùi khó chịu là do quá trình vi khuẩn phân hủy các chất mà mồ hôi tiết ra. (Ảnh: Antiperspirants Info).

Mồ hôi thường do các tuyến eccrine tiết ra. Trong đó, 98-99% là nước, ngoài ra còn có các chất vô cơ và hữu cơ dạng hòa tan như muối khoáng, axit lactic, urê. Mồ hôi này có tác dụng làm mát cơ thể, tập trung chủ yếu trong lòng bàn chân, bàn tay, trán và nách.

Mồ hôi dầu được tạo ra từ tuyến apocrine, tập trung chủ yếu ở đầu, nách, bộ phận sinh dục và núm vú. Tuyến này sản xuất ra một chất dịch lỏng bao gồm chất béo và các protein, có màu vàng nhạt, nhờn dính.

Vì sao mồ hôi lại có mùi?

Mồ hôi không có mùi. Mùi hôi phát sinh từ quá trình vi khuẩn phân hủy các chất trong dung dịch cơ thể này. Mồ hôi đổ nhiều và dính trên da quá lâu tạo điều kiện cho các loại vi khuẩn như staphylococcus hominis sinh sôi và phá vỡ các protein, gây ra mùi khó chịu.

Theo các chuyên gia, tình trạng ra mồ hôi quá nhiều hay còn gọi là tăng tiết mồ hôi (hyperhidrosis) có thể là dấu hiệu của các bệnh lý nghiêm trọng như đau tim, tiểu đường, cường giáp hay rối loạn lo âu. Hyperhidrosis được chia thành hai loại: nguyên phát và thứ phát.

Hyperhidrosis nguyên phát được coi là một tình trạng bệnh lý và thường không rõ nguyên nhân. Dạng hyperhidrosis này xảy ra ở một số khu vực nhất định của cơ thể, như lòng bàn tay, bàn chân, nách, đầu, trán.

Hyperhidrosis thứ phát có thể liên quan đến tuyến giáp, bệnh lý hay tác dụng phụ của thuốc. Dạng tăng tiết mồ hôi này thường xuất hiện trên khu vực lớn hơn của cơ thể.

Tắm rửa sạch sẽ là một trong nhiều cách hạn chế mùi mồ hôi
Tắm rửa sạch sẽ là một trong nhiều cách hạn chế mùi mồ hôi. (Ảnh: Vector Toons).

Điều trị việc tăng tiết mồ hôi như thế nào?

Theo các chuyên gia, mỗi trường hợp có những biện pháp điều trị riêng. Để loại bỏ mùi mồ hôi, bạn có thể áp dụng những cách như vệ sinh cơ thể sạch sẽ, sử dụng thuốc khử mùi. Đồng thời, bạn cần giặt và bảo quản quần áo sạch đúng cách, tránh mặc một bộ quần áo trong nhiều ngày.

Những bệnh nhân mắc hyperhidrosis có thể cải thiện tình trạng bằng các phương pháp điều trị như: dùng thuốc chống tiết mồ hôi, điện ly, uống thuốc kháng cholinergics, tiêm botox,... Người mắc hyperhidrosis thứ phát cần được điều trị căn nguyên gây bệnh.

Tùy từng trường hợp, các phương pháp trên sẽ mang lại hiệu quả khác nhau. Ví dụ, việc dùng thuốc chống tiết mồ hôi có chứa chloride hexahydrate nhôm không có hiệu quả lâu dài và có tỉ lệ bị kích ứng da cao. Các thuốc kháng cholinergic có tác dụng ức chế bài tiết, nhưng có thể gây khô mắt và miệng.

Hôi chân không phải bệnh lý mà do vệ sinh kém

Mùi hôi chân không chỉ ảnh hưởng đến tâm lý mà còn là rào cản khiến nhiều người cảm thấy mất tự tin. Phần lớn thời gian, chân được che phủ trong tất hay giày dép. Điều này sẽ khiến lòng bàn chân tiết ra nhiều mồ hôi gây ẩm ướt, tạo điều kiện thuận lợi cho vi khuẩn phát triển sinh ra khó chịu.

Mùi hôi chân không chỉ ảnh hưởng đến tâm lý mà còn là rào cản khiến nhiều người cảm thấy mất tự tin.
Theo các chuyên gia, hôi chân không gây nguy hiểm đến sức khỏe và ai cũng có thể mắc phải, tất cả phụ thuộc vào việc giữ gìn vệ sinh cá nhân. (Ảnh: Clipart Guide).

Do đó, để ngăn ngừa mùi hôi, bạn cần rửa chân sạch sẽ thường xuyên trong ngày và làm khô chân trước khi đi giày. Đồng thời, nên thay mới giày dép thường xuyên, tránh sử dụng một đôi giày trong hai ngày liên tiếp và nên chọn loại giày thoáng khí. Ngoài ra, việc sử dụng các loại tất cotton cũng giúp thấm hút mồ hôi tốt.

Một số cách khác là ngâm chân trong nước ấm với vài giọt tinh dầu trà có tính kháng khuẩn và chống nấm, hay sử dụng các loại thuốc xịt kháng khuẩn trước khi đi giày.

Cập nhật: 04/09/2017 Theo Zing
  • 2.191