Top 5 giải pháp giảm khó thở do không khí lạnh tăng cường

  •  
  • 155

Nhiệt độ thấp, không khí khô và lạnh trong đợt rét tăng cường có thể gây kích ứng đường hô hấp và phổi, ccó thể dẫn đến các triệu chứng như thở khò khè, ho, khó thở...

1. Vì sao không khí lạnh gây khó thở?

Trong mùa đông, khi nhiệt độ giảm xuống, không khí thường trở nên khô hơn do thiếu độ ẩm, có thể gây kích ứng và co thắt đường thở (còn gọi là co thắt phế quản) dẫn đến khó thở.

TS. Craig Jones, chuyên khoa tai mũi họng tại Đại học Harvard (Mỹ) cho biết, không khí lạnh cũng có thể phá vỡ lớp hơi ẩm lót đường hô hấp dưới và khiến chất nhầy, lớp màng bảo vệ cổ họng trở nên dính, đặc hơn bình thường có thể gây chặn đường thở và tăng khả năng bị nhiễm trùng hoặc cảm lạnh.

Hơn nữa, trong suốt mùa đông, mỗi nhà thường đóng kín cửa để ngăn gió rét hay sử dụng đèn sưởi, quạt sưởi để sưởi ấm nên đi ra ngoài, cơ thể đột nhiên tiếp xúc với không khí lạnh và khô. Sự dao động nhiệt độ đột ngột này cũng có thể gây co thắt và kích ứng phổi, cản trở quá trình thở bình thường.

Đặc biệt, với những người mắc bệnh hen suyễn, bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính, viêm phế quản cấp tính hoặc khí phế thũng cần hết sức cẩn thận. Nguyên nhân do mùa đông là thời điểm mà các bệnh nhiễm trùng do vi sinh vật (do virus, vi khuẩn, nấm và một số bệnh) như cảm lạnh, cúm gia tăng. Các bệnh nhiễm trùng có thể gây kích ứng và viêm phổi khiến khó thở trở nên tồi tệ hơn.

Ngoài đặc thù không khí lạnh, khô trong mùa đông gây khó thở và các vấn đề về hô hấp, có một số yếu tố khiến bệnh tăng nặng hơn như ô nhiễm không khí, khói bụi, dị ứng theo mùa...

2. Các vấn đề về hô hấp gây khó thở phổ biến trong mùa đông

2.1 Hen phế quản

Không khí lạnh là tác nhân phổ biến gây ra hoặc làm tái phát bệnh hen phế quản. Hơn nữa, cúm, cảm lạnh và các bệnh nhiễm trùng khác có xu hướng gia tăng trong mùa đông làm trầm trọng thêm các triệu chứng hen phế quản. Biểu hiện khi khởi phát bệnh hen là ho, khó thở thành cơn...

2.2. Viêm phế quản

Cả viêm phế quản mạn tính và cấp tính đều có thể biểu hiện các triệu chứng tương tự như cảm lạnh nhưng nghiêm trọng hơn. Các dấu hiệu phổ biến bao gồm tức ngực, ho ra chất nhầy, khó thở và thở khò khè.


Viêm phế quản có thể gây khó thở khi trời lạnh.

2.3. Viêm phổi

Mặc dù viêm phổi là do nhiễm virus hoặc vi khuẩn, nhưng thời tiết lạnh có thể là yếu tố thuận lợi khiến bệnh có thể nặng hơn. Nguyên nhân do không khí lạnh có thể làm cho tình trạng ho hoặc nhiễm trùng đường hô hấp như viêm phổi trở nên tồi tệ hơn, gây ra các triệu chứng như thở gấp, nông, thở gấp và sốt.

2.4. Bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính

Vào mùa đông, bệnh nhân mắc bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính dễ bị ốm hơn. Gió mạnh và nhiệt độ thấp ảnh hưởng tiêu cực đến phổi bởi khi tiếp xúc với không khí lạnh gây thu hẹp đường thở và kích hoạt các bùng phát bệnh có thể làm tăng sản xuất chất nhầy, khó thở và ho. Những cơn bùng phát và trầm trọng này không chỉ gây khó chịu mà còn có thể đe dọa đến tính mạng.

3. Cách giảm khó thở do bệnh phổi trong mùa đông

Do xu hướng bùng phát bệnh hô hấp và chất lượng không khí kém trong mùa đông, dưới đây là một số biện pháp bạn nên thực hiện để giữ cho phổi của mình khỏe mạnh:

3.1. Dùng khăn che mũi và miệng khi ra ngoài

Mặc quần áo ấm, đặc biệt là khi ra ngoài trời lạnh, dùng khăn che mũi và miệng để tránh không khí lạnh xâm nhập vào phổi.


Mặc ấm là biện pháp đơn giản giảm khó thở do lạnh.

3.2. Giữ gìn vệ sinh

Bụi và nấm mốc có xu hướng lưu thông trong không khí nhiều hơn trong mùa đông nên bạn cần lưu ý giữ môi trường xung quanh sạch sẽ, rửa tay thường xuyên trước khi chạm vào mũi hoặc miệng để tránh nguy cơ nhiễm trùng.

3.3. Tránh các hoạt động gắng sức ngoài trời

Các hoạt động thể chất gắng sức như chạy hoặc chạy bộ, có thể khiến bạn kiệt sức và thở hổn hển, do đó gây ra các vấn đề về hô hấp. Thay vào đó, hãy thử thực hiện các bài tập nhẹ nhàng ở nhà. Các bài tập thở đặc biệt có lợi cho việc cải thiện dung tích phổi.

3.4. Ăn uống lành mạnh và giữ đủ nước

Một chế độ ăn uống lành mạnh và uống nhiều nước có thể tốt cho phổi. Ngoài ra, cà rốt và ớt chuông đỏ được biết là cải thiện các triệu chứng hen suyễn và tăng cường sức khỏe tổng thể của phổi một cách hiệu quả, giúp giảm khó thở.

3.5. Dùng thuốc

Những người mắc các bệnh về đường hô hấp phải tiếp tục dùng thuốc theo quy định và luôn để sẵn ống hít trong mùa đông, đặc biệt là người bệnh hen phế quản để đề phòng cơn khó thở khởi phát.

Cập nhật: 26/02/2024 SKĐS
  • 155