Leonardo da Vinci: Nhà khoa học giải phẫu

  •  
  • 10.561

Leonardo da Vinci nổi danh với những bức họa độc đáo và vô giá trên thế giới. Tuy nhiên, ông còn được biết đến qua những bức vẽ giải phẫu học tỉ mỉ, hiếm hoi và vô cùng chính xác ở thời kỳ đó.

18 bản vẽ trong bộ sưu tập hơn 240 bức vẽ giải phẫu học của ông được tập trung lại và trưng bày tại Cung điện Holyrood ở Edinburgh. Đây cũng là lần đầu tiên một số lượng lớn như vậy các bức họa giải phẫu học của họa sĩ tài danh được giới thiệu tới công chúng.

Bắt đầu từ năm 1507, sau cuộc trò chuyện với một ông già sắp trút hơi thở cuối cùng trên giường bệnh, danh họa nảy ra ý muốn tìm hiểu điều gì trong cơ thể tạo ra cái chết, sự sống… thông qua giải phẫu thi thể. Ông từng thú nhận trong một vài ghi chép, rằng mình bị ám ảnh bởi các cấu trúc cơ thể con người. Họa sĩ đã tự mình thực hiện khoảng 30 cuộc giải phẫu như thế trên xác người, và ghi lại bằng những bức phác thảo vô cùng tỉ mỉ và chính xác. Khoảng 240 phác thảo như thế đã hình thành, kèm theo đó là mô tả cụ thể dài tổng cộng khoảng 13 nghìn từ.

Chân dung Leonardo cùng với phác thảo cơ và xương người
Chân dung Leonardo da Vinci cùng với phác thảo cơ và xương người

Người tổ chức trưng bày này, Martin Clayton nhận xét: “Chúng là những bản minh họa đẹp nhất, đặc biệt so với khoa giải phẫu học ngày nay”. Điều đặc biệt của triển lãm này là những bản phác thảo của danh họa được trưng bày đồng thời với những bản quét, chụp cắt lớp bằng các thiết bị hiện đại ngày nay, để so sánh và thấy được khả năng mô tả vô cùng chính xác của Leonardo da Vinci.

Trước đó, từ cuối những năm 1480, Leonardo đã bắt đầu chú ý tới giải phẫu cơ thể người. Cuốn sổ ghi ghép dày 44 trang của ông vào năm 1489 có một số hình vẽ hộp sọ người rất đẹp. Nhưng khoảng thời gian sau đó, họa sĩ bị phân tâm bởi những mối quan tâm khác, và ông cảm thấy không đủ sức làm hết. Ông nhận vẽ trang trí tranh tường khổ lớn, trong đó có các bức “Bữa tối cuối cùng”, “Trận chiến Anghiari”.

Niềm ham thích vẽ giải phẫu học trở lại với họa sĩ vào khoảng năm 1504. Clayton phân tích: “Ông luôn muốn tìm hiểu sâu về cơ thể con người, ban đầu là lớp cơ trên bề mặt, rồi sau đó là các lớp cơ sâu bên trong. Những điều này đưa ông trở lại với các nghiên cứu về giải phẫu học”. Lúc này, với uy tín và tên tuổi của mình, Leonardo hoàn toàn có điều kiện để tiến hành giải phẫu tử thi, thường là của các tội phạm bị hành quyết. Clayton nhận xét: “Trong 12 năm cuối đời, ông đã chuyển từ một họa sĩ thành một nhà khoa học, nhưng ông thực hiện công việc nghiên cứu bằng năng khiếu nghệ thuật tuyệt vời của mình”.

Những bức vẽ được trưng bày ở Cung điện Edinburgh có niên đại khoảng năm 1510-1511, khi Leonardo hợp tác với các nhà giải phẫu học Verona tại trường Y thuộc Đại học Pavia (Milan). Trong suốt thời kỳ Phục hưng, nhiều người coi giải phẫu học là rùng rợn, thậm chí là hoạt động bất hợp pháp, liên quan đến chiêu hồn. Thậm chí có người còn cho rằng việc bóc tách cơ thể người là trái với quy định của Giáo hội. Tuy nhiên, vào thế kỷ 15, 16, ngành giải phẫu học đã được nhìn nhận khác, được tôn trọng hơn, và không gặp vấn đề gì với Giáo hội. Đó cũng là thời điểm ngành giải phẫu học phát triển bùng nổ.

Mặc dù không phải Leonardo là họa sĩ duy nhất quan tâm đến giải phẫu học vào thời kỳ đó, tuy nhiên, điều làm nghiên cứu của ông khác biệt so với tất cả những người khác là những mô tả chính xác vả tỉ mỉ thông qua sự quan sát sắc bén và tinh tế. Clayton cho biết: “Leonardo đặc biệt chú ý đến vai trò và hoạt động của van tim, thậm chí ông đã tự dựng một mô hình van tim mô phỏng hoạt động bơm máu của tim. Đây là điều chúng ta chưa hề được biết cho đến tận thế kỷ 20, mà danh họa đã nghiên cứu và làm từ năm 1513”.

Ý đồ của Martin Clayton là tập trung và kỹ thuật hình ảnh trong những bản vẽ của Leonardo. Clayton mô tả, Leonardo đã sử dụng các quy tắc trong kiến trúc và kỹ thuật để mô tả các cấu trúc cơ thể người, vì thế những bản vẽ của ông trở nên sống động, tinh tế và rất chính xác. “Chỉ cho đến ngày nay, với sự hỗ trợ của máy tính, chúng ta mới thấy được những nỗ lực phi thường của danh họa”, Clayton nói.

Leonardo da Vinci: Nhà khoa học giải phẫu
Phác thảo hộp sọ người

Bi kịch đối với những bức vẽ này là Leonardo không bao giờ được công bố chúng. Cái chết đột ngột do bệnh dịch hạch của cộng sự thân thiết Marcantonio della Torre năm 1511, cùng với những bất ổn chính trị và việc Pháp chiếm Milan năm 1499, đã khiến cho họa sĩ tài ba rất khó khăn để hoàn thành dự án của mình. Ông lui về ở ẩn trong biệt thự của học trò và thư ký Francesco Melzi cách thành phố Milan 15 dặm (khoảng hơn 30km).

Với quỹ thời gian và tư liệu thu thập trong từng ấy năm, lẽ ra Leonardo hoàn toàn có thể hoàn thành nốt nghiên cứu của mình, nhưng thay vào đó, ông dành thời gian cho việc vẽ phong cảnh, thiết kế, nghiên cứu phôi, các van của tim.

Năm 1519, khi danh họa qua đời, khoảng 6.500 giấy tờ, tài liệu bản vẽ của ông bị phân tán. Năm 1690, gần hết các giấy tờ này được tập trung lại tại Phòng sưu tập hoàng gia, tuy nhiên chúng không được phân tích và hệ thống lại, cho đến tận cuối thế kỷ 19. Đó là lý do tại sao các nghiên cứu vượt thời gian của ông không thể tác động được đến y học hay khoa học.

Clayton nói: “Chúng tôi chỉ làm thay ông ấy phần việc cuối cùng: công bố từng phần các bản vẽ giải phẫu học. Leonardo đã đẩy sự hiểu biết về cơ thể người xa hơn bất kỳ ai khác trong thời kỳ Phục hưng”.

Theo Nhandan
  • 10.561