Theo thời gian, chân tay giả không chỉ được thiết kế để thay thế các bộ phận đã mất mà còn giúp con người thực hiện nhiều công việc trong đời thường.
Các nhà nghiên cứu cho rằng bộ phận giả sớm nhất trên thế giới là hai ngón chân nhân tạo có từ Ai Cập cổ đại. Các bộ phận giả trước đó chủ yếu được làm ra để trang trí, nhưng ngón chân nhân tạo ở Ai Cập là minh chứng sớm nhất về chức năng hoạt động một thiết bị chi giả.
Ngón tay có từ thời Ai Cập cổ đai có thể là một trong những bộ phận giả đầu tiên trên thế giới. (Ảnh: Jacky Finch).
Theo tiến sĩ Jacky Finch của Đại học Manchester, Anh, chân tay giả ngày nay được sản xuất sau khi nghiên cứu dáng đi của mỗi người. Trong nghiên cứu, Finch lựa chọn hai tình nguyện viên thử đeo hai mẫu này và ngạc nhiên khi biết rằng họ rất thoải mái.
"Phát hiện của tôi chỉ ra rằng cả hai thiết kế trên đều có thể hoạt động thay thế các ngón chân đã mất, và vì vậy được phân loại như chi giả", ông nói.
Chi giả bằng sắt của hiệp sĩ người Đức Gotz von Berlichingen (1480-1562), người từng phục vụ Hoàng đế Karl V của đế quốc La Mã, có thể hoạt động nhờ khớp nối. Loại này thường đắt, nhưng cho phép người bị mất chi tiếp tục lao động. Các ngón tay có khớp nối được sử dụng để cầm chắc tấm khiên, giữ chặt dây cương hay thậm chí là một cây bút lông. Bộ phận dành cho von Berlichingen do một chuyên gia sản xuất vũ khí chế tạo.
Nhiều thế kỷ sau đó, số lượng người bị thương trong cuộc Nội chiến Mỹ đã khiến nhu cầu sản xuất bộ phận chân tay giả tăng vọt. Nhiều cựu binh còn tự thiết kế sản phẩm riêng cho mình.
Từ sau Thế chiến II, các thiết kế tay giả cho phép con người làm các công việc trước đây được cho là không thể như hàn hay lái xe. (Ảnh: National Museum of Health and Medicine).
James Hanger, một trong những người đầu tiên bị cụt tay chân trong cuộc chiến này, được cấp bằng sáng chế với thiết kế Hanger Limb. Một người khác là Samuel Decker cũng tự thiết kế cánh tay nhân tạo và trở thành người tiên phong trong thiết kế chân tay giả theo dạng module.
Khoảng năm 1900, các nhà thiết kế chi giả tiên phong bắt đầu ý tưởng sáng tạo chân tay giả chuyên biệt, không chỉ dùng để trang trí. Một ví dụ điển hình là cánh tay nhân tạo dành cho nghệ sĩ piano từng biểu diễn ở nhà hát Royal Albert Hall, London năm 1906. Bàn tay giả có các ngón tay mở rộng; ngón trỏ, ngón giữa và ngón đeo nhẫn nhỏ hơn bình thường; đầu ngón cái và ngón út được độn bông.
Chân tay giả được sản xuất hàng loạt lần đầu tiên trong Thế chiến I. Tại Mỹ, Bệnh viện quân đội Walter Reed từng sản xuất số lượng lớn cho các cựu binh trở về từ chiến tranh. Móc hàn và một số công cụ khác được lắp vào tay giả, giúp họ làm việc và bắt đầu cuộc sống mới.
Tay nhân tạo có móc được DW Dorrance phát minh trước Thế chiến I và trở nên phổ biến với người lao động sau chiến tranh, khi họ có thể sử dụng chúng để cầm nắm và điều chỉnh đồ vật. Đây là một trong ít thiết kế ít thay đổi trong thế kỷ qua. Những năm 1930, Dorrance còn chứng minh được tính đa năng của tay giả này khi dùng nó để lái xe.
Công nghệ phát triển, các bàn tay giả được thiết kế ngày càng chuyên biệt hơn. (Ảnh: Wikimedia).
Bệnh viện Queen Mary ở Anh trở thành trung tâm sản xuất chân tay giả trong Thế chiến II, bắt đầu từ 1939. Chỉ trong năm đầu tiên, 10.987 người được hưởng trợ cấp chiến tranh đã đến đây và 16.251 bộ phận chân tay giả được gửi qua đường bưu điện. Nhà máy mở rộng quy mô hoạt động khi chiến tranh bùng nổ, vì họ nghĩ rằng khoảng 40.000 quân nhân Anh đã mất chân tay trong Thế chiến I.
Tuy nhiên, con số này ở Thế chiến II chỉ bằng một nửa. Kỹ thuật điều trị nhiễm trùng, phương pháp phẫu thuật tiến bộ và lượng máu sẵn có đã giảm số người phải cắt chân, tay.