Lịch sử phát triển của vải lanh - niềm tự hào của nhiều nền văn hóa suốt hàng nghìn năm

Vải lanh - Chất liệu vải cổ đại là niềm tự hào của nhiều nền văn hóa suốt hàng nghìn năm
  •  
  • 547

Ngày nay, quần áo làm từ vải lanh rất phổ biến và có giả cả phải chăng. Nhưng trong quá khứ, chúng từng là chất liệu cao quý, đóng vai trò quan trọng trong nhiều nền văn hóa.

Vải lanh trong thời cổ đại

Lanh là loại vải dệt đầu tiên do con người sản xuất. Những mẩu vải lanh lâu đời nhất được tìm thấy trong các hang động thời tiền sử ở Kavkaz và được ước tính là 38.000 năm tuổi.

Lanh là loại vải dệt được sử dụng cho mọi thứ
Lanh là loại vải dệt được sử dụng cho mọi thứ, từ trang phục hàng ngày đến băng quấn xác ướp...

Tua nhanh đến Ai Cập cổ đại vào 5.000 năm trước Công nguyên - người Ai Cập sống trong một nền kinh tế không dùng tiền, họ mua hàng hóa bằng cách trao đổi các món hàng có giá trị tương đương. Lanh là loại vải dệt được sử dụng cho mọi thứ, từ trang phục hàng ngày đến băng quấn xác ướp, vậy nên có thể nói nó là một phần cơ bản của nền kinh tế này. Với tính chất thấm hút và dẫn nhiệt, vải lanh là một chất liệu vô cùng lý tưởng cho khí hậu nóng bức ở Ai Cập. Thậm chí cho đến tận ngày nay, vải lanh được sử dụng trong các ngôi mộ Ai Cập vẫn được bảo quản tốt, giúp chúng ta có thêm bằng chứng về nền văn minh cổ đại này. Việc sử dụng chất gắn màu (hóa chất liên kết thuốc nhuộm) chưa có mặt ở Ai Cập trong thời điểm này nên quần áo làm bằng vải lanh của họ thường để màu tự nhiên hoặc được tẩy trắng.

 Vải lanh là một chất liệu vô cùng lý tưởng cho khí hậu nóng bức ở Ai Cập.
Vải lanh là một chất liệu vô cùng lý tưởng cho khí hậu nóng bức ở Ai Cập. (Ảnh minh họa).

Việc sử dụng quần áo làm từ vải lanh đã được áp dụng ở nhiều nền văn minh Địa Trung Hải cổ đại khác. Người La Mã đặt tên cho cây lanh là “linum usitatissimum” hay “cây lanh hữu ích nhất”.

Hai nghìn năm sau, sự phổ biến của vải lanh vươn ra toàn cầu. Người Phoenicia cổ đại đã xuất khẩu sợi lanh sang Scotland, Ba Tư, Ấn Độ và Trung Quốc. Ở những vùng lạnh hơn của Châu Âu, vải lanh được sử dụng để may áo sơ mi, áo lót bên trong áo khoác ngoài bằng len. Trên thực tế, tên gọi vải lanh (linen) có nguồn gốc từ các từ “lót” (lining) và “đồ lót” (lingerie).

Vải lanh và tôn giáo

Thói quen mặc vải lanh bao hàm sự tinh khiết trong nhiều nền văn hóa. Người Ai Cập cổ đại tin rằng các vị thần được mặc quần áo bằng vải lanh trước khi họ đến trái đất. Trong “Moralia”, nhà triết học Hy Lạp Plutarch đã giải thích lý do tại sao các linh mục thích mặc vải lanh thay vì len: “Sau khi cạo sạch lông để loại bỏ sự ô uế, sẽ thật nực cười nếu những người này lại mặc lông của các loài động vật nuôi trong nhà. Sợi lanh sinh ra từ đất, là thứ bất tử, nó mang lại những hạt giống có thể ăn được, và cung cấp cho chúng ta những bộ quần áo gọn gàng và sạch sẽ. Nó không nặng nề như những loại vải chuyên dùng để giữ ấm. Nó phù hợp với mọi mùa trong năm”.

Vải lanh là vật liệu tổng hợp đầu tiên

Alexander Đại đế
Tấm giáp che ngực của Alexander Đại đế được làm từ vải lanh tổng hợp.

Vải lanh không chỉ là loại vải dệt đầu tiên mà nó còn tham gia vào quá trình sản xuất vật liệu tổng hợp đầu tiên - chính là tấm giáp che ngực làm từ nhiều lớp vải lanh được Alexander Đại đế mặc khi chinh phục các dải đất ở Địa Trung Hải và Châu Á. Tuy nhiên, anh hùng thần thoại Hy Lạp Ajax cũng được mô tả là mặc một tấm che ngực bằng vải lanh tổng hợp trong “Iliad”. Câu chuyện này được viết từ 400 năm trước nên chúng ta có thể hiểu rằng vật liệu này đã được sử dụng trong nhiều thế kỷ.

Vải lanh trong thời trung đại

Sản xuất vải lanh trở thành công việc gia đình vào năm 789, khi vua Pháp Charlemagne ra lệnh rằng tất cả các hộ gia đình phải trồng lanh và dệt vải lanh của riêng họ. Truyền thống này vẫn tồn tại cho đến thế kỷ 18, các sản phẩm như quần áo, khăn trải giường và hàng dệt may trong nước đều được sản xuất tại nhà.

Trong những thế kỷ tiếp theo, vải lanh đã trở thành nền tảng của nhiều tác phẩm nghệ thuật vĩ đại nhất của chúng ta. Tấm thảm Bayeux thế kỷ 11, mô tả William the Conqueror đoạt vương miện từ Vua Harold của Anh, được làm từ 70 mét vải lanh. Vào đầu thế kỷ 16, họa sĩ người Flemish Peter Paul Rubens đã truyền cảm hứng cho nhiều nghệ sĩ châu Âu chuyển từ dùng gỗ tấm sang vải lanh, kỹ thuật này vẫn còn phổ biến cho đến ngày nay.

Thu hoạch cây lanh
Sản xuất vải lanh trở thành công việc gia đình vào năm 789, nhiều gia đình phải trồng lanh và dệt vải lanh ở Pháp. (Ảnh minh họa).

Vành đai vải lanh Châu Âu: Hà Lan, Pháp, Bỉ

Trong nửa đầu thế kỷ 17, thị trấn Haarlem của Hà Lan là trung tâm sản xuất vải lanh lớn. Thị trấn được hưởng lợi từ quá trình di cư của những người thợ dệt vải lanh có kinh nghiệm đến từ miền nam Hà Lan trong Cuộc nổi dậy của Hà Lan. Các thương nhân từ các khu vực khác của Châu Âu cũng gửi các sản phẩm vải lanh đến Haarlem để tẩy trắng và hoàn thiện - một quy trình đã được ghi nhớ mãi mãi bằng loạt tranh vẽ các cánh đồng tẩy trắng ở Haarlem của Jacob van Ruisdael. Ngành công nghiệp này suy giảm vào cuối thế kỷ 17, khi các nhà sản xuất tìm cách cắt giảm chi phí bằng cách chuyển quy trình sản xuất đến các vùng nông thôn.

Ở Pháp vào thế kỷ 16, các nghệ nhân vải lanh đã tạo ra rất nhiều trang phục đẹp mắt cho các triều thần Pháp nhưng đến thế kỷ 17 thì các nghệ nhân này hầu như đều bị lưu đày. Nguyên nhân là bởi Vua Louis XIV cấm những người theo đạo Tin lành ở Pháp. Các nghệ nhân đã di cư sang Đức và Bắc Âu.

Với sự suy giảm của ngành công nghiệp vải lanh ở Hà Lan và Pháp, một người chơi mới đã xuất hiện trên bản đồ - vùng Flanders của Bỉ, đặc biệt là thị trấn Tielt. Mặc dù Julius Caesar đã nhận xét về chất lượng tuyệt hảo của vải lanh Flemish ngay từ năm 100 trước Công nguyên, nhưng phải đến thế kỷ 18, nó mới thực sự được coi trọng. Đến năm 1840, 71% hộ gia đình xung quanh Tielt đều tham gia sản xuất vải lanh.

Việc sản xuất vải lanh trở nên dễ dàng và rẻ hơn rất nhiều khi máy kéo sợi lanh ra đời.
Việc sản xuất vải lanh trở nên dễ dàng và rẻ hơn rất nhiều khi máy kéo sợi lanh ra đời.

Sự suy tàn của ngành công nghiệp lanh

Việc sản xuất vải lanh trở nên dễ dàng và rẻ hơn rất nhiều khi Philippe de Girard phát triển máy kéo sợi lanh vào năm 1810 - bắt đầu cuộc Cách mạng Công nghiệp. Tuy nhiên, đây cũng là khởi đầu cho sự xuống dốc của “gã khổng lồ” vải lanh. Bông kém bền hơn so với vải lanh, nhưng lại dễ sản xuất và tốn ít chi phí hơn khi làm ở quy mô lớn, vậy nên nó đã trở thành loại vải được ưa chuộng trong thời đại công nghiệp. Từ những năm 1850, ngành công nghiệp lanh châu Âu đi vào suy thoái.

Tuy nhiên, vải lanh vẫn được sử dụng rất nhiều, đặc biệt là trong Chiến tranh thế giới thứ nhất và thứ hai. Người ta dùng nó để làm dây thừng, vải bạt và các mặt hàng đòi hỏi sự chắc chắn và độ bền. Quân đội Đức đã cắt đứt nguồn cung cấp lanh của châu Âu, nên những dải đất ở Ireland và Úc lại được chuyển sang dùng cho mục đích trồng lanh. Phần lớn các mảnh đất này đều do phụ nữ canh tác.

Vải lanh trong thời hiện đại

Ngày nay, gần 2.000 năm kể từ khi Plutarch ca ngợi sự tinh khiết của vải lanh, một lần nữa nó trở thành “con cưng” trong ngành thời trang vì sự thân thiện đối với môi trường. Sự gia tăng của chủ nghĩa tiêu dùng có trách nhiệm đã khiến nhiều người lo ngại về quần áo bằng sợi tổng hợp và bông rẻ tiền - những thứ đang gây ra hậu quả đáng kể cho trái đất. Xu hướng nội thất cũng đang dần thay đổi để phản ánh các mô hình tiêu dùng có đạo đức hơn. Những chiếc ghế nhựa bơm hơi và đèn dung nham của những năm 1990 không còn được yêu thích nữa, thay vào đó là sự lên ngôi của đồ nội thất làm bằng gỗ bền bỉ và hàng dệt tự nhiên như vải lanh hữu cơ. Tính chất bền vững, chắc chắn, bền bỉ của vải lanh đã được chứng minh trong nhiều thế kỷ, không có gì bất ngờ khi nó luôn là chất liệu yêu thích của con người.

Cập nhật: 17/06/2023 SaoStar
  • 547