Lịch sử Trung Quốc có một hình phạt tên nghe mỹ miều nhưng tàn ác bậc nhất

  •  
  • 2.373

Ngay từ thời phong kiến, Trung Quốc là quốc gia rất quan tâm đến hệ thống pháp luật. Mặc dù nhà Hán đưa ra việc "bãi bỏ Bách gia, độc tôn Nho thuật", nhưng đằng sau sự cai trị nhân từ này chính là hàng loạt hình phạt nghiêm khắc để áp chế hành vi của dân chúng.

Thậm chí sau đó lại phát minh ra một loại hình phạt tàn nhẫn, gọi là lăng trì xử tử, hay còn gọi là tùng xẻo. Mà lăng trì chính là hành hạ tội nhân bằng hàng trăm hàng nghìn nhát chém, khiến họ trước khi chết phải chịu đựng gấp đôi nỗi đau thể chất và tinh thần.

Trong số những hình phạt của triều đình phong kiến thời bấy giờ, có một loại tên nghe có vẻ rất thanh lịch - đàn tỳ bà (gảy tỳ bà), nhưng không ai có thể chịu đựng nổi trong vòng 1 bản nhạc.

Khốc hình "đàn tỳ bà"

Đàn tỳ bà là một loại hình phạt tra tấn được phát minh vào thời nhà Minh, chính Chu Nguyên Chương đã đưa ra ý tưởng, được áp dụng bởi Cẩm y vệ và Đông xưởng. Có thông tin cho rằng hình phạt này do Cẩm y vệ nghĩ ra, nhưng nếu không có Chu Nguyên Chương cho phép thì tổ chức này cũng không dám áp dụng. Phạm nhân một khi chịu hình phạt này chỉ có thể sống không bằng chết, thậm chí còn đau đớn hơn của lăng trì.

Nhắc tới Cẩm y vệ và Đông xưởng của nhà Minh, có lẽ bạn sẽ nhớ đến cảnh những bóng đen thoát ẩn thoát hiện, chúng ta chỉ biết họ thuộc về triều đình và chuyện làm những nhiệm vụ bí mật. Theo sử sách, Cẩm y vệ và Đông xưởng được thành lập bởi Chu Nguyên Chương, Hoàng đế khai quốc của nhà Minh.

Cẩm y vệ
Cẩm y vệ.

Chu Nguyên Chương sau khi kiến quốc, vốn nên hưởng thụ vinh quang huy hoàng mà thiên hạ thái bình mang đến, nhưng ông lại không thể sống an ổn. Chu Nguyên Chương luôn hoài nghi người thân cận bên cạnh muốn tạo phản, nhất là các trung thần cùng mình chinh phục thiên hạ. Thế là ông đã thành lập nên Cẩm y vệ và Đông xưởng.

Công dụng của Cẩm y vệ và Đông xưởng chính là âm thầm thăm dò lòng dân, điều tra tất cả chuyện Chu Nguyên Chương muốn biết. Quyền lực của Cẩm y vệ và Đông xưởng cực kỳ lớn, có thể tùy ý phán xét đại thần trong triều, truy nã đại quan, thậm chí có thể không cần thông qua bộ phận có trách nhiệm trong cung mà có thể tùy ý xem xét.

Tôn chỉ của Cẩm y vệ và Đông xưởng là tuân theo mệnh lệnh tối cao của Hoàng đế và “thà giết lầm còn hơn bỏ sót”. Theo đó, tra tấn và trừng phạt là không thể thiếu. Mỗi lần nhắc tới hai tổ chức này, ngay cả đại quan trong triều cũng phải khiếp sợ, mặt mày biến sắc. Qua đó có thể thấy, mức độ tra tấn mà Cẩm y vệ và Đông xưởng sử dụng đã đạt tới mức vượt qua sự tưởng tượng của con người.

Sự tàn nhẫn của "Đàn tỳ bà"

Hình phạt “đàn tỳ bà” của Cẩm y vệ và Đông xưởng là trước khi hành hình, phạm nhân bị lột hoặc kéo áo lên, để lộ ra phần xương sườn. Người hành quyết lấy một con dao nhỏ cứa lên từng nhát ở phần xương sườn, cho đến khi da bong tróc thịt. Mà nguyên nhân đặt tên này, cũng là bởi vì quá trình hành hình rất giống với hành động gảy dây đàn tỳ bà. Người thực hiện coi xương sườn của phạm nhân là dây đàn tỳ bà, khiến phạm nhân đau đớn từng cơn, hầu như không một ai chịu đựng nổi trong thời gian một khúc nhạc. Giải pháp là thỏa hiệp với Cẩm y vệ và khai ra bất kỳ thông tin nào đó để họ không tiếp tục hành hình.

"Đàn tỳ bà" từng được coi là hình phạt tàn khốc nhất trong thời bấy giờ.
"Đàn tỳ bà" từng được coi là hình phạt tàn khốc nhất trong thời bấy giờ. (Ảnh minh họa).

Lúc ấy có một tham quan tên là Uông Văn Ngôn, hắn đã bị hành hình bởi “đàn tỳ bà”, quần áo toàn thân bị lột sạch, người của Cẩm y vệ dùng móc cắm vào xương sườn rồi kéo ngược lên. Uông Văn Ngôn lập tức đau đến ngất đi. Cẩm y vệ rửa nước muối lên móc rồi móc vào xương sườn để hắn tỉnh lại. Không quá vài lần, Uông Văn Ngôn đã nhận tội.

“Đàn tỳ bà” là cực phẩm trong các loại hình phạt thời phong kiến ở Trung quốc. Người chịu hình chỉ cần nghe đến cái tên này đều sợ tới mức lập tức ngất đi. Mặc dù tàn nhẫn, nhưng Cẩm y vệ và Đông xưởng nhờ vậy mà hầu như đạt được mục đích: Khuất phục thành chiêu, không cần tái thẩm. Song suốt quá trình hoạt động của hai tổ chức này đã khiến vô vàn người vô tội phải chết oan.

Sau đó, với sự sụp đổ của nhà Minh, việc áp dụng hình phạt này cũng giảm dần theo từng năm. Đến thời nhà Thanh, hình phạt "đàn tỳ bà" hoàn toàn biến mất.

Cập nhật: 11/10/2024 TTVH
  • 2.373