Linga - Yoni lớn nhất Đông Nam Á tại thánh địa Cát Tiên

  •   32
  • 12.723

Linga là biểu tượng cho bộ phận sinh dục nam, còn Yoni là biểu tượng của bộ phận sinh dục nữ. Đây là biểu hiện của hai mặt âm dương trong vũ trụ, thể hiện sự sinh sôi sáng tạo và sự sinh tồn của loài người.

Trong quá trình khai quật thánh địa Cát Tiên, huyện Cát Tiên (Lâm Đồng) các nhà khoa học đã phát hiện nhiều bộ Linga - Yoni có niên đại từ khoảng thế kỷ VIII - X bằng những chất liệu khác nhau, trong đó có 2 bộ Linga - Yoni bằng đá và thạch anh được xác định là lớn nhất Đông Nam Á tính đến thời điểm hiện nay.

Thánh địa Cát Tiên là tên gọi quần thể di chỉ khảo cổ được các nhà khoa học phát hiện từ năm 1985, nằm trong một bồn địa rộng hàng trăm ha và trải trên chiều dài khoảng 15km dọc theo hệ thống sông Đồng Nai, bao gồm nhiều quả đồi và bãi bồi ven sông được bao bọc bởi những dãy núi cuối cùng của Trường Sơn Nam. Toàn bộ khu di tích này kéo dài từ xã Quảng Ngãi đến xã Đức Phổ, huyện Cát Tiên.

Các nhà khoa học tại thánh địa Cát Tiên
Các nhà khoa học tại thánh địa Cát Tiên

Từ năm 1994 đến nay, thánh địa Cát Tiên đã trải qua 8 lần khai quật, đã có 1140 hiện vật các loại được phát hiện với nhiều chất liệu khác nhau như kim loại vàng, bạc, thiếc, đồng, sắt, đá, đá quý, gốm nung... Cũng tại thánh địa này, các nhà khoa học đã phát hiện nhiều bộ Linga - Yoni, trong đó có 2 bộ Linga - Yoni lớn nhất Đồng Nam Á.

Theo các tài liệu của Bảo tàng Lâm Đồng, tính chất chủ yếu của đạo Bà la môn được thể hiện bằng những biểu tượng tín ngưỡng phồn thực. Tức cầu mong cho sự sinh sôi, nảy nở về con người, phồn thịnh trong sản xuất, thịnh vượng của mùa màng và các cơ quan sinh sản được đặc tả để nói về ước vọng phồn sinh. Và việc thờ sinh thực khí là là biểu tượng rõ nhất của tín ngưỡng phồn thực.

Bộ Linga - Yoni được xác định là lớn nhất Đông Nam Á được phát hiện tại thánh địa Cát Tiên
Bộ Linga - Yoni được xác định là lớn nhất Đông Nam Á được phát hiện tại thánh địa Cát Tiên

Linga - Yoni được phát hiện tại thánh địa Cát Tiên rất đa dạng về thể loại, phong phú về kiểu dáng, kích thước như bộ Linga - Yoni bằng đá phát hiện tại gò A1, được xác định là lớn nhất Đông Nam Á, với chiều cao của Linga là 2,1m, cạnh Yoni là 2,26m. Hiện bộ Linga - Yoni này đã được các nhà khoa học khai quật đưa lên mặt đất, làm mái che để bảo quản.

Tại thánh địa Cát Tiên, các nhà khoa học cũng đã phát hiện một bộ Linga bằng thạch anh lớn nhất Đông Nam Á tính đến thời điểm này, với chiều dài 25cm, nặng 3,5kg. Đây là bộ Linga đặc biệt quý hiếm, được mài dũa tinh xảo và khắc tạc tả thực rất độc đáo.

Các nhà khoa học còn phát hiện một bộ Linga bằng đồng, cao 52cm, đường kính 25cm. Linga này có hình tròn đều từ trên xuống dưới, đây là Linga bằng đồng được phát hiện lớn nhất Việt Nam đến thời điểm này.

Hầu hết các Linga - Yoni phát hiện tại thánh địa Cát Tiên đều được đặt trong chính diện các đền tháp, ngay dưới chân bệ thờ là lỗ thông hơi xuống tận dưới sâu qua nhiều lớp gạch, cát và dưới cùng là nhiều đồ vật như những lá vàng, các loại tượng đá nhỏ.

Những bông hoa sen được đúc bằng chất liệu vàng được phát hiện tại thánh địa Cát Tiên
Những bông hoa sen được đúc bằng chất liệu vàng được phát hiện tại thánh địa Cát Tiên

Linga - Yoni ở thánh địa Cát Tiên không chỉ đa dạng về kiểu dáng, kích thước mà còn phong phú về chất liệu. Ngoài Linga - Yoni bằng đá sa thạch có kích thước lớn, các nhà khảo cổ học còn phát hiện nhiều Linga được chế tạo bằng gốm.

Các Linga này đều có nắp, bên trong có chứa các Linga nhỏ được làm bằng các chất liệu khác. Những chiếc Linga bằng vàng, bạc với kích thước nhỏ cũng đã được phát hiện tại thánh địa Cát Tiên. Những Linga bằng vàng, bạc được chế tác rất tinh xảo, có kích thước nhỏ, có đầy đủ 3 phần rõ rệt và được tìm thấy trong trụ giới.

Bà Đoàn Thị Ngọ, phó Giám đốc Bảo tàng Lâm Đồng, cho biết hầu hết các Linga được phát hiện tại thánh địa Cát Tiên đều có 3 phần, phần tròn thể hiện cho thần Shiva, phần bát giác ở giữa thể hiện cho thần Vishnu, phần khối vuông dưới cùng là biểu tượng cho thần Brahma. Đây là 3 vị thần tối cao của đạo Bà la môn.

Theo Bee
  • 32
  • 12.723