Chỉ với vài thao tác đơn giản, một người lính cứu hỏa kỳ cựu ở Bangkok có thể dùng tay bắt gọn con rắn hổ mang kịch độc.
Trong video hướng dẫn cách bắt rắn hổ mang, Phinyo Pukphinyo, lính cứu hỏa 49 tuổi, tới gần chỉ cách răng nanh của con rắn độc chưa đầy nửa mét và nhìn chằm chằm vào nó. Sau đó, ông nhẹ nhàng vuốt dọc cổ họng con rắn rồi nhanh chóng tóm chặt cổ và nhấc nó lên khỏi mặt đất. Khi cầm chắc rắn hổ mang trong tay, Phinyo vẫn không rời mắt khỏi nó, đồng thời lắc lư đầu để buộc con vật chịu thua trước khi cho vào lồng.
Rắn hổ mang rất nguy hiểm nên việc căn thời gian rất quan trọng khi bắt chúng.
Phinyo bắt ước tính 2.000 con rắn mỗi tháng, bao gồm trăn, rắn hổ mang và rắn lục, tại nhà dân và vùng rừng quanh Bangkok, Thái Lan. Kỹ năng độc đáo đã giúp Phinyo trở thành thợ bắt rắn hàng đầu cả nước. Phinyo từng nằm viện ba tháng sau khi bị một con rắn hổ phì cắn nhưng ông cho biết tai nạn đó khiến ông càng tôn trọng những con rắn hơn.
"Rắn hổ mang là một trong những loài rắn nguy hiểm nhất thế giới. Do đó, việc căn thời gian rất quan trọng khi bắt chúng. Nếu bị cắn, bạn có thể gặp rắc rối lớn. Nếu không được điều trị kịp thời, nguy cơ tử vong rất cao", Phinyo nói.
Theo Phinyo, tìm hiểu về hành vi của rắn cũng quan trọng không kém. Phần lớn mọi người thường đập rắn hoặc sử dụng dụng cụ để bắt chúng. Bắt rắn bằng tay không đòi hỏi nhiều kỹ năng và kinh nghiệm. Những loài rắn khác nhau có hành vi khác nhau, vì vậy thợ bắt rắn cần đọc được suy nghĩ của chúng và lúc nào cũng phải cẩn thận.