Một loài côn trùng nhỏ bé sống sót sau sự kiện tuyệt chủng từng giết chết khủng long đặt ra câu hỏi cho thuyết tiến hóa.
Sự kiện tuyệt chủng hàng loạt cách đây 66 triệu năm xóa sổ 3/4 giống loài, bất kể thực vật hay động vật trên thế giới. Ngay cả loài khủng long cũng không thể vượt qua.
Thế nhưng, trong số những kẻ sống sót, có một loài bọ cánh cứng nhỏ màu đen, gọi là bọ chân chạy, hay bọ cánh cứng, thuộc họ Carabidae, đã thách thức thuyết tiến hóa của Charles Darwin.
Loài bọ cánh cứng nhỏ đã đặt ra những câu hỏi lớn cho học thuyết tiến hóa của Darwin (Ảnh: SCMP).
Theo Darwin, mọi giống loài để sống sót sau sự tái cấu trúc của tự nhiên, đều sẽ phải thay đổi và tiến hóa để chúng thích nghi với trật tự thế giới mới.
Tuy nhiên, loài côn trùng phổ biến này vẫn không thay đổi trong ít nhất 100 triệu năm. Đây là kết luận từ một nghiên cứu mới, đã công bố trên tạp chí Palaeoentomology và The Innovation.
Đứng sau nghiên cứu là Cai Chenyang, nhà nghiên cứu tại Viện Địa chất và Cổ sinh vật học Nam Kinh, thuộc Viện Hàn lâm Khoa học Trung Quốc.
Để đưa đến nhận định này, các nhà khoa học tìm thấy một loài bọ chân chạy thuộc kỷ Phấn trắng nằm trong số 3 hóa thạch hổ phách tại Thung lũng Hukawng, ở miền bắc Myanmar, có niên đại khoảng 100 triệu năm trước.
Khi so sánh các mẫu vật được bảo tồn với những cá thể sống ở thời hiện đại, nhóm nhà nghiên cứu phát hiện ra rằng loài côn trùng này không thay đổi hình dạng, kích thước hoặc thậm chí là thói quen ăn uống, dù môi trường sống của chúng có những thay đổi mạnh mẽ, gồm cả sự kiện tuyệt chủng hàng loạt.
Hiện tượng này được các nhà nghiên cứu gọi là trạng thái "ứ đọng tiến hóa", thách thức thuyết tiến hóa của Charles Darwin, cũng như sẽ làm thay đổi tư duy của chúng ta về nhiều hiện tượng, sự vật đang tồn tại trên hành tinh này.
Trong những năm gần đây, ngày càng có nhiều nhà khoa học kêu gọi đánh giá lại học thuyết Darwin một cách nghiêm túc.
Năm 2014, trong một bài viết được công bố trên tạp chí Nature, một nhóm gồm 8 nhà khoa học đã đặt ra câu hỏi: "Liệu học thuyết tiến hóa có cần được xem xét lại không?". Câu trả lời của họ là: "Có, rất cấp bách".