Loài dơi khi ốm còn biết điều hơn cả một số người: Khi mang bệnh, dơi quỷ hút máu sẽ tự cách ly xã hội

  •   3,52
  • 982

Nghiên cứu mới chỉ ra rằng khi dơi quỷ - vampire bat bị ốm, chúng sẽ tự cách ly xã hội khỏi nhóm chung của đàn.

Rõ ràng đây là tập tính bảo đảm an toàn cho bầy của dơi, chứ chẳng có Chính phủ Dơi hay Bộ Y tế dơi, Liên Hợp Dơi khuyến cáo nên cách ly cả. Bằng một thiết bị truyền tín hiệu nhỏ gắn trên lưng đàn dơi (và sẽ tự rụng ra sau khoảng từ 1-2 tuần), nhóm nghiên cứu theo dõi sát sao các cá thể dơi cả trước và sau khi cá thể dơi ốm xuất hiện trong bầy.

So sánh với hành vi của các con dơi khác trong hốc cây - nơi sinh sống của bầy dơi, con dơi ốm ít tiếp xúc với các thành viên khác trong đàn, và cũng dành ít thời gian lởn vởn quanh những cá thể dơi khác. Dữ liệu cũng cho thấy những con dơi khỏe mạnh trong đàn cũng ít tiếp xúc với con dơi ốm hơn.

Dơi quỷ - vampire bat.
Dơi quỷ - vampire bat.

Khi chúng ta đều cảm thấy khỏe mạnh, việc cách ly xã hội trong đại dịch Covid-19 khiến chúng ta cảm thấy bất thường. Nhưng khi ta ốm, hành động thường thấy là sống khép kín hơn, nằm trên giường nhiều hơn bởi lẽ ta cảm thấy kiệt sức. Điều đó cũng có nghĩa rằng chúng ta ít tiếp xúc xã hội hơn”, Simon Ripperger, đồng tác giả nghiên cứu mới cho hay.

Những hành động đó cũng xuất hiện trong nghiên cứu của chúng tôi: trong tự nhiên, dơi quỷ - loài động vật có tính xã hội cao - giữ khoảng cách khi chúng bị ốm hay khi chung sống với bạn cùng bầy bị ốm. Khi thực hiện hành động này, có thể trông đợi vào việc tỷ lệ lây lan bệnh giảm đi”.

Trong nghiên cứu này, các nhà khoa học bắt về 31 con dơi quỷ cái sống trong một thân cây rỗng ở vùng Lamanai thuộc quốc gia Belize. Họ tiêm vào người 16 con dơi chất kích thích hệ miễn dịch hoạt động và tiêm vào người 15 con dơi còn lại nước muối, nhằm gây ra bệnh giả trên dơi.

Sau khi thả cho bầy dơi bay về chỗ trú, nhóm nghiên cứu phân tích hành vi xã hội của 31 con dơi trong 3 ngày liên tục. Họ còn tập trung vào theo dõi “giai đoạn chữa bệnh” kéo dài khoảng từ 3-9 tiếng sau khi các con dơi được tiêm “bệnh”; trong khoảng thời gian này, liệu hành vi các con dơi có thay đổi?

Chúng tôi tập trung vào 3 yếu tố trong hành vi của dơi bị "ốm": chúng tiếp xúc với bao nhiêu con dơi, dành bao nhiêu thời gian với bầy và chúng có quan hệ tốt với cả mạng lưới xã hội của bầy không”, đồng tác giả nghiên cứu Gerald Carter cho hay.

Nhìn chung, khi xét với những cá thể khác trong bầy, những con dơi ốm sẽ tiếp xúc ít hơn trung bình khoảng 4 cá thể trong giai đoạn chữa bệnh, thời gian tiếp xúc với bạn tình ít hơn 25 phút. Thời gian tiếp xúc của những con dơi lành với những con dơi bệnh ít hơn hẳn.

Thiết bị theo dõi gắn trên lưng dơi
Thiết bị theo dõi gắn trên lưng dơi nhằm đo đạc khoảng cách giữa các cá thể sống trong thân cây rỗng.

Có một lý do đơn giản khiến những con dơi quỷ ốm ít tiếp xúc với bạn cùng bầy, ấy là chúng ngủ li bì và ít di chuyển hơn hẳn. Trong điều kiện nuôi nhốt, chúng tôi thấy dơi ốm ít liếm láp bạn cùng bầy mà cũng ít khi cất tiếng gọi các cá thể khác. Những thay đổi đơn giản trong hành vi dơi đã tự tạo ra cách ly xã hội mà không cần các con dơi khỏe mạnh hợp tác hay cố tránh né”, nhà nghiên cứu Carter nhận định.

Có khả năng hiệu ứng chúng tôi quan sát được xuất hiện nhiều trong những loài động vật khác. Nhưng cần phải nhớ rằng hành vi động vật thay đổi tùy theo tình trạng bệnh. Chúng tôi không sử dụng virus hay vi khuẩn thật, bởi lẽ chúng tôi muốn tách riêng việc nghiên cứu hành vi của cá thể mang bệnh thực sự. Một số bệnh sẽ khiến tỷ lệ dơi tiếp xúc với cá thể cùng đàn cao hơn, hay có thể dẫn đến việc con dơi bệnh bị đàn xa lánh”.

Dù nghiên cứu này không ghi lại việc lây lan của một căn bệnh thật, nhưng việc kết hợp dữ liệu tiếp xúc của dơi với những yếu tố bệnh tật của từng cá thể cho phép các nhà nghiên cứu dự đoán hành vi của dơi khi thực sự mang bệnh, và cách những hành vi đó ảnh hưởng đến việc lây lan bệnh trong cộng đồng.

Nghiên cứu đã được đăng tải trên Behavioral Ecology.

Cập nhật: 02/11/2020 Theo Pháp luật và bạn đọc
  • 3,52
  • 982