Loài vật nào nhanh nhất hành tinh? Nếu trả lời là báo gêpa (Tiếng Nga: Gepard, tiếng Anh: Cheetah), có thể đó vẫn là câu trả lời chưa chính xác. Kỷ lục sinh vật nhanh nhất còn có thể là chim ưng, loài tôm hoặc thậm chí là sứa nếu tiếp cận khái niệm "chuyển động" dưới góc độ rộng hơn. Thật sự, việc xác định đâu là loài vật có chuyển động nhanh nhất hành tinh không phải là chuyện đơn giản. Chúng ta hãy cùng đi sâu vào câu hỏi phức tạp này nhé.
Trên thực tế, ý tưởng báo gêpa là loài sinh vật nhanh nhất hành tinh đã được hình thành từ nhiều năm. Hầu hết mọi người, từ nhỏ đến lớn đều chấp nhận câu trả lời này. Tuy nhiên, nếu xét dưới góc độ khách quan hơn thì việc phân định ngôi đầu bảng về tốc độ nhanh nhất trong thế giới động vật không đơn giản như xác định loài nặng nhất (cá voi xanh) hoặc cao nhất (hươu cao cổ).
Sheila Patek, nhà sinh vật học tại Đại học Duke, Hoa Kỳ cho biết: "Khi chúng ta nói về tốc độ của một chuyển động, cần phải phân định rõ ràng nhiều yếu tố như thời gian thực hiện toàn bộ chuyển động, quá trình tăng tốc, tốc độ tính bằng chiều dài cơ thể trên giây… Đồng thời, không chỉ xét riêng chuyển động của toàn thân mà còn phải nghiên cứu rộng hơn, xác định chuyển động của các bộ phận trên cơ thể và cả khả năng tạo ra tốc độ,…".
Liệu báo gêpa có phải là loài động vật chạy nhanh nhất?
Điển hình như, báo gêpa có thể là "động vật nhanh nhất" nếu bạn giới hạn phạm vi lại và chỉ cho nó chạy từ điểm A đến điểm B. Trong trường hợp này, rõ ràng nó có thể chạy với tốc độ lên tới 29m/s. Nhưng hãy tìm hiểu sâu hơn bối cảnh diễn ra hành động này. Con báo chạy vì một lý do: Săn mồi. Hầu hết con mồi đều không ngốc tới mức đánh cược mạng sống của chúng vào việc chạy đua trên đường thẳng với con báo. Thay vào đó, chúng chọn cách chạy zig zac. Điều đó có nghĩa là mặc dù báo có khả năng đạt tốc độ 29m/s trong điều kiện thử nghiệm lý tưởng, nhưng trong thế giới giới tự nhiên, trung bình nó chỉ đạt được tốc độ 15m/s và duy trì được tốc độ này từ 1 đến 2 giây.
Loài ve Paratarsotomus macropalpis, chỉ dài khoảng 0,7mm, nhưng lại có thể chạy được quãng đường dài gấp 322 lần chiều dài cơ thể mỗi giây, khiến nó trở thành loài vật chạy nhanh nhất hành tinh
Patek cho biết: "Báo có gia tốc tương đối thấp và do đó, nó mất khá nhiều thời gian để đạt được tốc độ ấn tượng như chúng ta thường thấy". Nếu xét đơn vị đo tốc độ là "chiều dài cơ thể/giây" thì có thể ngôi vương lại nhường cho loài ve Paratarsotomus macropalpis. Loài ve này có thể chạy được quãng đường gấp 322 lần chiều dài cơ thể mỗi giây. Tốc độ này qua mặt cả bọ hổ Úc với tốc độ 171 lần chiều dài cơ thể mỗi giây.
Hình ảnh một con cá buồm Đại Tây Dương, được mệnh danh là loài cá bơi nhanh nhất đại dương
Một loài động vật khác cũng thường xuất hiện trong các cuộc nói chuyện về "nhanh nhất" là cá buồm. Đây là một loài cá lớn, có cùng họ với cá Marlin và cá kiếm. Nó được biết đến như loại cá nhanh nhất đại dương, có thể đạt tốc độ khoảng 30m/s khi lướt trên những con sóng. Bên cạnh đó, phần lớn những ông hoàng tốc độ trong thế giới động vật này thường sở hữu điểm đặc biệt để thích ứng với tốc độ cao. Tiến hóa đã cho loài cá buồm có những mô đặc biệt, giúp tăng cường công suất hoạt động của các dây thần kinh nhãn cầu khi đang di chuyển ở tốc độ cao.
Chim cắt, sinh vật được cho là nhanh nhất bầu trời với khả năng nương theo trọng lực để tạo gia tốc, đạt tốc độ lao xuống tới 58m/s
Trên đây chúng ta đã có sinh vật nhanh nhất trên cạn và dưới biển, thì ngôi vị này trên không trung sẽ thuộc về chim cắt (falcon). Khi săn mồi, chim cắt có thể tìm đến vị trí rất cao, sau đó lợi dụng trọng lực để lao xuống con mồi bên dưới. Trong một nghiên cứu, một con Cắt Bắc Cực (gryfalcon) tên là Kumpan có thể đạt tốc độ 52 đến 58m/s sao khi lao từ độ cao 500 mét. Một thử nghiệm khác được thực hiện bởi National Geographic cho thấy chim cắt còn có thể đạt được tốc độ 82m/s khi thả nó ra từ độ cao 4572 mét.
Đến đây, có thể tốc độ mà chim cắt đạt được có thể làm họ nhà báo phải hổ thẹn. Vậy chim cắt có xứng đáng nhận danh hiệu động vật nhanh nhất hành tinh? Câu trả lời còn phụ thuộc vào việc bạn định nghĩa như thế nào về tốc độ.
Thí dụ, bạn có thể nhìn vào tốc độ lao xuống đáng kinh ngạc của chim cắt nhưng khoan đã, nó đã mất bao nhiêu giây để đạt được độ cao cần thiết? Điều đó có nghĩa là chim cắt có khả năng đạt được tốc độ cao nhưng phải nhờ vào sự giúp đỡ của trọng lực để đạt được gia tốc cần thiết.
Loài tôm tít với khả năng búng càng cực nhanh
Và nếu xét về khả năng tăng tốc, Patek đã có sẵn một số ứng cử viên trong thế giới động vật. Điển hình như tôm tít (mantis shrimp) với 2 chiếc càng như có lò xo, có thể búng cực mạnh về phía trước như một chiếc cung. Một khi búng ra, chiếc càng có thể bật ra và thu vào chỉ trong vòng chưa tới 3 mili giây.
Loài sứa còn có thể tạo ra gia tốc cao hơn khi nó tấn công kẻ thù. Lúc đó, sứa có thể phóng ra hàng tỷ sợi gai độc có kích thước cực nhỏ với vận tốc tương tương một viên đạn bay ra khỏi nòng súng. Theo một nghiên cứu được công bố trên tạp chí Current Biology hồi năm 2008, mỗi gai độc được gọi là nematocysts, có thể được phóng ra trong vòng chưa tới 700 nano giây và tạo ra gia tốc lớn hơn gấp 5 lần so với gia tốc trọng trường.
Kiến bẫy hàm với đặc trưng là chiếc hàm có thể mở ra 180 độ và khép lại với tốc độ chưa tới 64m/s
Rõ ràng, khả năng tăng tốc của các loài vật trên đây là khá ấn tượng. Tuy nhiên, nó vẫn chưa phải là nhất. Nếu xét tới khả năng dùng các bộ phận của cơ thể với tốc độ nhanh thì phải kể tới kiến bẫy hàm (ondotomachus) và mối Panamanian. Loài kiến bẫy hàm đặc trưng với phần hàm dưới có khả năng mở 180 độ giống như một cái bẫy. Bộ hàm này có khả năng đóng mở cực nhanh phụ thuộc vào các sợi lông mỏng trên bề mặt. Theo nghiên cứu, tốc độ đóng mở hàm của nó có thể đạt 64m/s để giúp nó bật cả thân mình lên nhằm thoát khỏi nguy hiểm.
Một con kiến bẫy hàm tự búng người lên không để thoát nguy hiểm
Tuy nhiên, kiến bẫy hàm chỉ đáng xếp thứ 2 khi so với loài mối Panamanian. Dù không có bộ hàm oai vệ, nhưng chính nhờ điều kiện sống trong những hang đào chật hẹp, nên loài mối Panamanian lại sở hữu những nhát cắn chớp nhoáng, nhằm tạo ưu thế trong các cuộc cận chiến bảo vệ tổ. Đầu tiên, nó sẽ nghiến chặt quai hàm tới mức làm biến dạng nó, khi đạt giới hạn, quai hàm của nó sẽ trượt ra và phát xuất một lực cực mạnh búng vào kẻ thù. Phần lớn kẻ xâm lược sẽ chết lập tức sau cú cắn độc đáo này.
Video quay chậm cảnh một con kiến bẫy hàm đang tấn công đối thủ
Jeremy Niven, nhà nghiên cứu tại Đại học Sussex đã đo vận tốc của nhát cắn này là vào khoảng 67m/s. Ông cho biết: "Chưa từng có nghiên cứu nào trước đây tìm thấy loài nào có được nhát cắn tốc độ như loài mối này".
Cận cảnh nhát cắn 67m/s của loài mối Panamanian
Cuối cùng, câu trả lời cho câu hỏi loài vật nhanh nhất còn phụ thuộc vào cách bạn tiếp cận tới định nghĩa tốc độ và xác định đơn vị đo là gì. Đó là có thể là tốc độ tối đa, khả năng tăng tốc, quá trình tăng tốc,… đồng thời phải xét tới phạm vi chuyển động, chuyển động là toàn thân hay một phần cơ thể. Rõ ràng nếu so với nhát cắn của loài mối Panamanian thì loài báo chỉ là sinh vật chậm chạp. Nhưng như đã nói ở trên, dường như các kết luận so sánh tuyệt đối là quá khập khiễn. Quan trọng hơn là chúng ta giới hạn phạm vi đo lường lại và sẽ tìm được sinh vật đạt tốc độ nhanh nhất.