Loài mèo răng khỉ cổ đại ăn thịt voi ma mút non

  •  
  • 604

Hóa thạch từ một di chỉ ở Texas cho thấy mèo răng khỉ không chỉ bắt voi ma mút từ đàn mà còn kéo xác con mồi về hang.

Ở khu vực ngày nay là vùng ngoại ô thành phố San Antonio, Texas, các nhà cổ sinh vật học suy đoán những con mèo răng khỉ hợp sức phục kích voi ma mút. Chúng ngoạm một con voi ma mút chưa trưởng thành, khiến máu bắn lên miệng và móng vuốt. Sau khi ăn no bụng, chúng sẽ tha cái xác về hang và tiếp tục chia sẻ bữa ăn sau đó. Nhóm nghiên cứu công bố phát hiện trên tạp chí Current Biology hôm 15/4, cung cấp bằng chứng chứng minh giả thuyết trên. Theo họ, mèo răng khỉ có chế độ ăn không giống bất kỳ loài mèo lớn nào khác đã tuyệt chủng hay còn sống.

Phục dựng đàn mèo răng khỉ săn voi ma mút non
Phục dựng đàn mèo răng khỉ săn voi ma mút non. (Ảnh: Mauricio Antón).

Khi nghĩ tới loài mèo với những chiếc răng kiếm, mọi người thường nghĩ tới hổ răng kiếm ở Bắc Mỹ. Nhưng sống cùng lãnh thổ với chúng còn có một loài mèo lớn khác đáng sợ nhưng kém nổi tiếng hơn là mèo răng khỉ (Homotherium serum). Dù nhóm tác giả nghiên cứu so sánh mèo răng khỉ với báo săn ở một số mặt, chúng dường như có cấu tạo cơ thể phù hợp với chạy khoảng cách dài hơn là chạy nước rút. Hàm răng của chúng rất sắc và thô như răng cưa, răng nanh ngắn hơn so với hổ răng kiếm. Những chiếc răng này cắn xé tốt hơn là ngoạm.

"Mọi thứ chúng tôi đang xem xét đều hé lộ hổ răng kiếm và mèo răng khỉ là hai loài mèo hoàn toàn khác biệt", Larisa DeSantis, nhà cổ sinh học ở Đại học Vanderbilt, trưởng nhóm nghiên cứu cho biết. "Dù có quan hệ gần gũi hơn bất kỳ loài mèo nào còn sống ngày nay, chúng có thể cùng tồn tại trong hệ sinh thái do có chế độ ăn khác nhau".

Hang Friesenhahn ở San Antonio chứa nhiều hóa thạch mèo răng khỉ hơn những nơi khác trên thế giới. Đó là kho báu ở thế Canh Tân, cung cấp mẫu vật hóa thạch đa dạng, bao gồm lượng lớn xương voi ma mút chưa trưởng thành.

DeSantis và cộng sự tìm hiểu chế độ ăn của mèo răng khỉ. Họ bắt đầu bằng cách phân tích 3D bề mặt hàm răng của mèo răng khỉ, so sánh với các động vật ăn thịt tương tự trong thế Cánh Tân cũng như loài săn mồi ngày nay. Họ nhận thấy mèo răng khỉ ăn thức ăn mềm và dai, nhưng không ăn xương. Nếu chúng ăn thịt voi ma mút, điều đó có nghĩa chúng sẽ ăn lớp da dai và phần thịt mềm của con mồi, đồng thời tránh nghiến phải xương.

Các nhà nghiên cứu cũng tìm thấy dấu vết hóa học cung cấp bằng chứng rõ ràng cho thấy mèo răng khỉ ăn thịt động vật ăn cỏ trong môi trường trống trải. Sự ưa chuộng động vật ăn cỏ của mèo răng khỉ khác với bất kỳ loài mèo hoang dã nào ở Bắc Mỹ ngày nay. Kết quả phân tích kết hợp phát hiện nhiều xương chân voi ma mút bị cắn đứt trong hang động khiến các nhà nghiên cứu kết luận đây là nguồn thức ăn của mèo răng khỉ.

Hang Friesenhahn được phát hiện vào đầu thế kỷ 20, nghiên cứu, khai quật, sau đó bị lãng quên và tái phát hiện lần nữa. Ernest Lundelius, nhà khoa học địa chất danh dự ở Đại học Texas, Austin, đồng tác giả nghiên cứu, đã làm việc tại hang động từ năm 1957.

Cập nhật: 29/04/2021 Theo VnExpress
  • 604