Rùa cạn Galapagos là loài vật có cách cạnh tranh vô cùng hiền lành trong thế giới động vật.
Rùa cạn Galapagos là loài rùa cạn lớn nhất còn sống hiện nay, và có lẽ cũng là loài vật nổi tiếng nhất trên quần đảo Galapagos. Chúng có thân hình khổng lồ, có thể đạt cân nặng 400kg và chiều dài mai 1,8m.
Tuy nhiên, ngoài vóc dáng "lực lưỡng", những anh bạn rùa này còn sở hữu nhiều tập tính và đặc điểm vô cùng độc đáo mà chưa loài vật nào sao chép được.
Rùa cạn Galapagos là loài rùa cạn lớn nhất còn sống hiện nay.
Đầu tiên, rùa Galapagos không chỉ "to xác" mà còn là một trong những động vật trên cạn sống dai nhất, với tuổi thọ trung bình hơn 1 thế kỷ. Với điều kiện giam giữ, chúng có thể đạt tới kỷ lục 176 tuổi.
Mặc dù câu thành ngữ "Chậm như rùa" đúng với đa số trường hợp, với rùa cạn Galapagos lại hơi khác một chút. Tất nhiên trong phần lớn hoàn cảnh chúng vẫn chậm chạp, nhưng khi đến mùa sinh sản, chúng lại tràn đầy năng lượng và mau mắn lạ thường, khi có thể di chuyển tới 13km/2 ngày.
Rùa Galapagos không chỉ "to xác" mà còn là một trong những động vật trên cạn sống dai nhất.
Rùa Galapagos rõ ràng là sống ở quần đảo Galapagos, ngay ngoài khơi bờ biển Ecuador. Tuy nhiên, điều mà nhiều người không biết là các hòn đảo được đặt theo tên của những con rùa chứ không phải ngược lại.
Mọi chuyện bắt đầu khi các thủy thủ Tây Ban Nha phát hiện ra khu vực này vào năm 1535 và tìm thấy những con rùa ở khắp mọi nơi. Sau đó, họ quyết định đặt tên cho các hòn đảo theo tên của galapago, từ tiếng Tây Ban Nha cổ có nghĩa là yên ngựa, do hình dạng của mai rùa. Mọi người thậm chí đã từng cưỡi những con rùa lưng yên ngựa này trước khi biết rằng điều đó có hại cho loài bò sát khổng lồ ấy.
Nói về cái tên yên ngựa, loài rùa này có 2 loại khác nhau là loài lớn hơn với mai tròn, hình vòm và loài nhỏ hơn với mai cuộn lên như hình yên ngựa.
2 "dòng giống" rùa Galapagos khác nhau.
Phần mai của chúng cũng không hoàn toàn đặc, khi có cấu trúc dạng tổ ong chứa các khoang khí để giảm trọng lượng, giúp chúng có thể mang vác cả một khối lượng như vậy cả ngày. Tất nhiên, phần mai này cũng liền với cơ thể chúng và mang nhiều cơ quan nội tạng, khiến nó là bộ phận không thể tách rời.
Nhưng một trong những đặc điểm thú vị nhất của loài rùa này được quan sát khi chúng xảy ra tranh chấp. Bất hòa giữa các "anh em" rùa Galapagos thường xảy ra giữa các con đực vì vấn đề lãnh thổ, đồ ăn hoặc bạn tình.
Con nào có cổ vươn cao hơn thì sẽ mặc nhiên giành chiến thắng.
Để "giao đấu", 2 anh em rùa sẽ lườm nhau, há to miệng và vươn cổ lên cao nhất có thể. Kích cỡ cơ thể không quan trọng, miễn là con nào có cổ vươn cao hơn thì sẽ mặc nhiên giành chiến thắng.
Con rùa thua cuộc sau đó sẽ phải hạ đầu, thu cái miệng lại, rụt cổ vào mai và "cun cút" bỏ đi trong thất bại ê chề.
Đặc điểm này được cho là phát triển từ việc rùa Galapagos cần có cổ dài để có thể với tới thức ăn trên cây. Đặc biệt, loài rùa mai "yên ngựa" mới có tập tính này vì chúng sống trên vùng đảo có khí hậu khô, ít thức ăn (mà lại còn ở trên cao); vậy nên mọi nỗ lực giải quyết tranh chấp bằng hòa bình để bảo vệ quần thể là cần thiết.