Giới khoa học hiện đang tranh cãi về nguồn gốc của 2 tảng đá khổng lồ nằm trên vách đá cao hơn 15m ở đảo Eleuthera – Bahamas.
Các nhà khoa học chưa biết chính xác làm thế nào hai tảng đá khổng lồ lại xuất hiện trên vách đá cao hơn 15m. Chúng không thể lăn lên đỉnh của vách đá này xuống và càng không thể rơi xuống từ một vách đá khác vì xung quanh không có vách đá nào cao hơn vách đá hiện tại chúng đang nằm.
Hai tảng đá khổng lồ nêu trên, được gọi là "Bò cái và Bò đực", cao gấp nhiều lần so với một người trưởng thành và nặng khoảng 1.000 tấn. Hai tảng đá khổng lồ này vốn là một điểm du lịch nhưng trong những năm gần đây, chúng đã trở thành một bí ẩn khoa học. Một số nhà khoa học cho rằng vị trí đặc biệt của chúng có liên quan đến các sự kiện biến đổi khí hậu trong quá khứ.
Hai năm trước, nhà khoa học khí hậu nổi tiếng James Hansen dựa trên công trình nghiên cứu của nhà địa chất học Paul Hearty của Trường ĐH North Carolina Wilmington (UNCW) cho biết hai tảng đá khổng lồ đã bị những trận siêu bão thảm khốc đưa đến khu vực hơn 100.000 năm trước, khi mực nước biển cao hơn cùng khí hậu nguy hiểm hơn.
Hai tảng đá khổng lồ, được gọi là "Bò cái và Bò đực", trên đảo Eleuthera – Bahamas. (Ảnh: Washington Post).
Ông Hansen cảnh báo rằng những điều kiện này có thể quay lại nếu băng ở 2 cực tan chảy nhanh, làm đảo lộn dòng hải lưu và có khả năng gây ra nhiều hậu quả khó lường khác.
Tuy nhiên, một nghiên cứu mới kết luận hai tảng đá khổng lồ nêu trên có thể bị những đợt sóng mạnh cuốn đến khu vực mà không cần siêu bão. Được công bố trên tạp chí khoa học Proceedings of the National Academy of Sciences (PNAS) vào cuối tháng 10, nghiên cứu của chuyên gia Alessio Rovere đến từ Trường ĐH Bremen (Đức) và các đồng nghiệp nói rằng những trận bão mạnh ngày nay cũng có thể dịch chuyển được hai tảng đá khổng lồ nêu trên nếu mực nước biển hiện tại dâng thêm 6-9m, bằng với mực nước biển ở thời kỳ băng tan cuối cùng (Eemian), xảy ra cách đây khoảng 116.000 - 129.000 năm.
Điều này cũng đồng nghĩa với việc khi mực nước biển dâng cao trong tương lai, chúng có thể giải phóng sức mạnh hủy diệt của đại dương mà không cần đến gió mạnh từ siêu bão.
Những ý kiến trái chiều xoay quanh nghiên cứu được công bố hôm 30/10 cho thấy tranh cãi về nguồn gốc của hai tảng đá khổng lồ nhiều khả năng còn tiếp diễn trong thời gian dài.
Ông Hearty và ông Hansen cho rằng trong suốt thời kỳ biến đổi khí hậu xảy ra cách đây hơn 100.000 năm, những cơn sóng gây ra bởi siêu bão đã đưa chúng đến vị trí hiện tại từ một vách đá thấp hơn. Theo ông Hearty, những tảng đá khác trên đảo Eleuthera thậm chí còn bị cuốn đi xa hơn.
Ông Rovere và đồng nghiệp đã đến Eleuthera vào năm 2016 với để nghiên cứu cũng như bổ sung thêm cho giả thuyết của ông Hearty. Sau quá trình tìm hiểu, họ kết luận rằng với mực nước biển cao như ở thời kỳ băng tan cuối cùng (Eemian), những tảng đá khổng lồ như "Bò cái và Bò đực" có thể bị các cơn sóng có vận tốc khoảng 32-41km/giờ dịch chuyển.
Giả thuyết của nghiên cứu này là những tảng đá đứng trên rìa của vách đá và bị cuốn về phía đất liền đến vị trí hiện tại của chúng. Điều này trái ngược với nhận định của ông Hearty nói rằng chúng được di chuyển đến vị trí hiện tại từ một khu vực thấp hơn rất nhiều.
Với mực nước biển cao như ở thời Eemian, theo nhóm nghiên cứu của ông Rovere, những cơn bão như bão Andrew (1992), siêu bão Sandy (2012) và bão Hoàn hảo (1991), có thể gây ra những cơn sóng đủ mạnh để dịch chuyển hai tảng đá khổng lồ trên đảo Eleuthera.
Những tranh cãi xoay quanh hai tảng đá khổng lồ trên đảo Eleuthera cho thấy hiểu biết còn hạn hẹp của con người về việc đại dương sẽ phản ứng như thế nào khi khí hậu biến đổi. Mực nước biển đang dần dâng lên do biến đổi khí hậu làm băng tan và khi đại dương ấm lên, chúng có thể gây ra những siêu bão khủng khiếp hơn.