Lợn phát sáng huỳnh quang

  •  
  • 1.192

Các nhà khoa học Đài Loan đã nuôi cấy thành công 3 chú lợn phát ra ánh sáng huỳnh quang lục trong bóng tối, đánh dấu bước ngoặt tiềm năng trong việc nghiên cứu tế bào gốc.

Nhóm nghiên cứu đã chèn một protein (chiết tách từ một loài sứa) vào trong nhân của các tế bào phôi lợn, từ đó tạo ra 3 con lợn đực chuyển gene. Những con lợn này phát sáng cả từ bên trong, bao gồm các nội tạng.

Wu Shinn-Chih, từ khoa Công nghệ và Khoa học động vật, Viện Đại học quốc gia Đài Loan cho biết, nhóm hy vọng những con lợn này có thể giúp giới khoa học lần theo sự phát triển của các mô - nơi tế bào gốc được sử dụng để sửa chữa những nội tạng hỏng.

"Công trình này thực sự quan trọng. Nó sẽ có ích trong việc thúc đẩy nghiên cứu lâm sàng về tế bào gốc của người, vì về mặt di truyền người ta tin rằng lợn thuộc nhóm động vật gần gũi với người nhất", Wu nhận định.

"Tôi không chắc liệu có những con lợn phát huỳnh quang khác ở đâu đó trên thế giới hay không, nhưng tới nay, trong những bức ảnh về lĩnh vực này, tôi chưa từng nhìn thấy những con lợn như vậy, với cả cơ thể phát ra sáng xanh lục trong bóng tối", Wu nói.

Wu cũng phủ nhận những lo ngại rằng công nghệ này có thể gây nguy hiểm đến hệ sinh thái. "Chẳng có gì phải lo lắng ở đây, vì không giống như cá, những con lợn này không có cách gì để lai tạo chéo với các loài hoang dã và tạo ra những con lai kinh dị", ông nói.

Đài Loan cũng là nơi những con cá phát quang biến đổi gene đầu tiên được ra đời trên thế giới vào năm 2003 - sự kiện được tạp chí Time xếp vào "những phát minh nhạt nhẽo nhất" của năm đó.

Theo VnExpress
  • 1.192