Theo Bloomberg, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đang cân nhắc việc thay đổi tên chính thức cho bệnh đậu mùa ở khỉ. Nguyên nhân là họ lo ngại về sự kỳ thị và phân biệt chủng tộc xung quanh loại virus đã lây nhiễm cho gần 1.300 người tại hơn 20 quốc gia.
Theo tạp chí Science, ngày 10/6, hơn 30 chuyên gia quốc tế của WHO đồng loạt đưa ý kiến về việc bệnh đậu mùa khỉ đang bị “dán nhãn”, phân biệt đối xử và kỳ thị. Họ yêu cầu cần phải “đổi tên bệnh khẩn cấp”.
Phát ngôn viên của WHO cũng nhận định tên gọi hiện tại không phù hợp với hướng dẫn của WHO đó là tránh các vùng địa lý và tên động vật.
Đề xuất này khiến cuộc tranh cãi nổ ra, tương tự khi WHO yêu cầu đổi tên Corona thành Covid-19, sau khi nhiều người trên thế giới gọi đây là virus Trung Quốc hoặc virus Vũ Hán. Hiện nay, nguồn gốc động vật thực sự của bệnh đậu mùa khỉ vẫn chưa được biết dù nó đã được tìm thấy trên nhiều động vật có vú.
Virus đậu mùa khỉ dưới kính hiển vi. (Ảnh: Science).
Nhóm chuyên gia viết: “Trong bối cảnh bùng phát bệnh trên toàn cầu như hiện nay, việc tiếp tục nhắc tên và cách gọi cũ của loại virus này (đậu mùa khỉ ở châu Phi) không còn chính xác mà còn mang tính kỳ thị và phân biệt đối xử”.
Cái tên “hMPXV A.1” có thể không ngắn gọn, nhưng nhóm chuyên gia tin rằng nó sẽ giúp hạn chế kỳ thị, phân biệt đối xử với nhóm bệnh nhân cũng như cộng đồng châu Phi - nơi bệnh trở thành đặc hữu.
Họ lưu ý thêm chủng virus đang lây lan ở những người bên ngoài châu Phi có thể khác với chủng virus trên động vật. Nhóm chuyên gia thúc giục các tổ chức y tế nhanh chóng quyết định và áp dụng tên gọi mới cho căn bệnh này.
Người phát ngôn cho biết WHO đang tham khảo ý kiến của các chuyên gia về orthopoxvirus - họ virus gây bệnh đậu mùa khỉ - để đặt tên phù hợp hơn. Theo các khuyến nghị chung của WHO, Tổ chức Thú y Thế giới và Tổ chức Nông lương của Liên Hợp Quốc, một số tên bệnh khác trái với hướng dẫn như cúm lợn.
Đại diện WHO nhận định việc đặt tên cho các căn bệnh nên được thực hiện với mục đích giảm thiểu tác động tiêu cực, tránh gây xúc phạm đến bất kỳ nhóm văn hóa, xã hội, quốc gia, khu vực, nghề nghiệp hoặc dân tộc nào.
Bệnh đậu mùa khỉ từng là dịch ở Tây và Trung Phi trong nhiều thập kỷ, nhưng các ca bệnh chủ yếu liên quan sự lây lan từ động vật hơn là lây truyền từ người sang người. Trong các đợt bùng phát bên ngoài các nước châu Phi trước đây, chẳng hạn ở Mỹ năm 2003, các ca bệnh liên quan việc tiếp xúc với động vật mang virus hoặc đi đến các vùng có dịch bệnh. Vẫn chưa rõ bằng cách nào mà bệnh đậu mùa ở khỉ xâm nhập vào người trong đợt bùng phát hiện tại, nhưng virus đã lây lan qua tiếp xúc gần gũi, thân mật. Đây là sự thay đổi so với các đợt dịch trước đó.
Các chuyên gia nhấn mạnh đậu mùa khỉ có thể là nguy cơ với bất kỳ dân tộc, quốc gia nào. (Ảnh: Freepik.)
Các nhóm chuyên gia khác cũng từng cảnh báo về sự kỳ thị trong truyền thông về bệnh đậu mùa khỉ. Vào cuối tháng 5, Hiệp hội Báo chí Nước ngoài của châu Phi yêu cầu các phương tiện truyền thông phương Tây ngừng sử dụng các bức ảnh về người da đen để minh họa cho tình trạng bệnh trong những câu chuyện về bệnh nhân ở Mỹ hoặc Anh. Nhiều tuần sau, các nhà khoa học nêu quan điểm những tổn thương mà bệnh nhân của đợt bùng phát này gặp phải khác với những gì từng ghi nhận ở châu Phi.
“Như bất kỳ căn bệnh nào khác, nó có thể xảy ra ở bất kỳ khu vực nào trên thế giới và gây ảnh hưởng đến bất kỳ ai, bất kể chủng tộc hay sắc tộc. Vì vậy, chúng tôi nhấn mạnh không có chủng tộc hay màu da nào là nhóm phân biệt của căn bệnh này”, các tác giả viết.
Nhóm chuyên gia của WHO và nhiều tổ chức khác cho rằng sự chú ý của quốc tế về loại virus này rất ít cho đến khi nó lan sang các nước bên ngoài châu Phi. Giới nghiên cứu nhấn mạnh mọi ca bệnh đậu mùa khỉ cần được điều trị và chú ý khẩn cấp như tất cả bệnh khác.
Trước đó, WHO từng bị chỉ trích về việc gọi MERS là hội chứng hô hấp Trung Đông. Những cái tên trong quá khứ như bệnh cúm Tây Ban Nha, sốt Rift Valley bị coi là góp phần tăng thêm sự kỳ thị của các quốc gia hoặc khu vực xuất hiện dịch bệnh.
Bảng hướng dẫn của WHO khuyến cáo không nên sử dụng tên người để đặt cho bệnh (ví dụ bệnh Creutzfeldt-Jakob, bệnh Chagas), tên động vật (cúm lợn, viêm não ngựa), tên có nghĩa chỉ văn hóa hoặc nghề nghiệp (bệnh Legionnaires) hoặc những từ gây nỗi sợ hãi không đáng có (tử vong).