Lý giải được tại sao khi ngủ mơ bị đổ mồ hôi và run rẩy lạnh

  •  
  • 375

Các nhà thần kinh học từ Đại học Bern ở Thụy Sĩ lý giải rằng khi nhiệt độ môi trường quá nóng hoặc quá lạnh, giấc mơ về đêm của chúng ta bị gián đoạn là do cơ thể phải tập trung nguồn lực để điều chỉnh nhiệt độ và não ưu tiên kiểm soát nhiệt độ cơ thể trong giấc mơ.

Theo Dunya News, các nhà khoa học ở Đại học Bern (Thụy Sĩ) khi tiến hành thử nghiệm trên loài gặm nhấm, đã xác định được rằng giấc mơ bị gián đoạn nếu nhiệt độ cơ thể quá cao hoặc quá thấp. Khi đó, cơ thể phải bắt đầu tham gia vào quá trình điều nhiệt và không còn nguồn lực cho những giấc mơ.

Tại thời điểm xuất hiện giấc mơ, cơ chế điều chỉnh nhiệt độ cơ thể bị ức chế.
Tại thời điểm xuất hiện giấc mơ, cơ chế điều chỉnh nhiệt độ cơ thể bị ức chế.

Được biết, giấc mơ xuất hiện trong giai đoạn ngủ nhanh hay còn gọi là giấc ngủ REM (REM sleep), giai đoạn của giấc ngủ khi não hoạt động tích cực và xuất hiện giấc mơ. Và tại thời điểm xuất hiện giấc mơ, cơ chế điều chỉnh nhiệt độ cơ thể bị ức chế. Kết quả là người nằm mơ có thể bị đổ mồ hôi, run rẩy vì lạnh và các phản ứng khác của cơ thể khi mất hiệu quả trong việc duy trì nhiệt độ bên trong cơ thể.

Các nhà khoa học đã nghiên cứu hypothalamus (vùng dưới đồi) của chuột thí nghiệm - phần não có chức năng điều hòa nhiệt độ và chịu trách nhiệm cho giai đoạn ngủ chậm. Cái gọi là các tế bào thần kinh tập trung melanin (melanin-concentrating hormone - MCH) có liên quan đến giấc ngủ ở trạng thái mơ. Các chuyên gia quan tâm đến các gene thụ thể của hormone này với công dụng “bật” và “tắt” theo ý muốn. Họ đã cho những con chuột thí nghiệm bình thường ngủ ở trong một căn phòng ấm áp thoải mái và trong những căn phòng có nhiệt độ khác nhau. Sự hiện diện của nhiệt độ dễ chịu dẫn đến sự gia tăng thời gian của giấc ngủ nhanh. Nhưng những con chuột bị ngắt các thụ thể hormone tập trung melanin (MCH) không thể điều chỉnh để thích ứng với sự thay đổi nhiệt độ bằng cách sử dụng vùng dưới đồi.

Các nhà khoa học đã công bố kết quả nghiên cứu trên tạp chí Current Biology với khẳng định rằng nhiệm vụ của giấc ngủ nhanh là kích hoạt các chức năng quan trọng của não, đặc biệt là trong những thời điểm không cần phải tiêu tốn năng lượng cho việc điều chỉnh nhiệt. Như vậy, giấc ngủ mơ và tình trạng cơ thể không điều hòa nhiệt độ có liên quan chặt chẽ với nhau.

Cập nhật: 03/07/2019 Theo motthegioi
  • 375