Mạng lưới đường thương mại cổ xưa ở Việt Nam

  •  
  • 1.207

Các nhà khảo cổ Australia phát hiện một mạng lưới tuyến đường thương mại cổ xưa tại khu vực đồng bằng Sông Cửu Long của Việt Nam.

Các nhà khoa học tại Đại học Quốc gia Australia (ANU) tìm thấy một mạng lưới lớn trung tâm sản xuất và tuyến đường thương mại có vai trò vận chuyển hàng hóa giữa các khu định cư với nhau ở Đồng bằng Sông Cửu Long, Việt Nam, cách đây khoảng 3.000 - 4.500 năm. Kết quả nghiên cứu được công bố trên tạp chí Antiquity, UPI hôm 18/8 đưa tin.

Nhóm nghiên cứu khai quật được một số dụng cụ bằng đá tại địa điểm khảo cổ Rạch Núi ở tỉnh Long An. Những đồ tạo tác này bao gồm một hòn đá mài làm bằng sa thạch có nguồn gốc từ một mỏ đá nằm cách thung lũng sông Đồng Nai khoảng 80km.

Các nhà khảo cổ Australia phát hiện nhiều đồ tạo tác bằng đá tại địa điểm khai quật Rạch Núi.
Các nhà khảo cổ Australia phát hiện nhiều đồ tạo tác bằng đá tại địa điểm khai quật Rạch Núi. (Ảnh: ANU).

"Chúng tôi biết một số đồ tạo tác được vận chuyển từ nơi này đến nơi khác. Điều này cho thấy bằng chứng về một mạng lưới thương mại lớn bao gồm các trung tâm sản xuất dụng cụ chuyên nghiệp và kiến thức công nghệ", Catherine Frieman, thành viên của nhóm nghiên cứu, nói.

Frieman cho biết, khu vực Rạch Núi không có tài nguyên đá. Vì vậy người dân phải nhập khẩu đá từ nơi khác và làm việc với nó để sản xuất các đồ tạo tác. Mọi người trở thành chuyên gia chế tạo công cụ bằng đá, mặc dù họ không sống gần bất kỳ mỏ đá nào.

Các tuyến đường thương mại mới được phát hiện giúp chúng ta hiểu hơn về quá trình chuyển đổi từ cộng đồng săn bắn hái lượm sang khu định cư nông nghiệp tại khu vực miền nam Việt Nam. Khi người dân thành lập khu định cư, họ đã phát triển nền văn hóa vật thể và kinh tế của riêng mình.

"Có nhiều mạng lưới buôn bán phức tạp xuất hiện giữa các cộng đồng dân cư. Một vài mạng lưới là kết quả của việc vận chuyển nguyên liệu và ý tưởng sản xuất trên một quãng đường dài", Frieman nói.

Cập nhật: 22/08/2017 Theo VnExpress
  • 1.207