Máu nhân tạo từ voi tiền sử

  •  
  • 1.505

ADN của voi ma-mút thời tiền sử đang giúp các nhà khoa học phát triển các sản phẩm máu nhân tạo phục vụ y học hiện đại.

>>> Phát hiện xác voi ma mút nguyên vẹn ở Bắc Cực
>>> Voi Ma mút 42.000 năm tuổi lần đầu tiên xuất hiện

Theo tiến sĩ Chien Ho và các cộng sự tại Đại học Carnegie Mellon ở thành phố Pittsburgh (Mỹ), trong cuộc di cư đến những khu vực lạnh hơn của lục địa Á-Âu cách đây 1,2-2 triệu năm vào kỷ Pleistocene (kỷ Canh tân), voi ma-mút lông dài đã thích nghi với môi trường mới bằng cách phát triển lớp lông dài, dày, mịn và tai nhỏ hơn giúp giữ nhiệt, cũng như bằng cách thay đổi ADN.

Voi ma-mút được trưng bày tại Bảo tàng Lịch sử tự nhiên Neuchâtel ở Thụy Sĩ - (Ảnh: Rama)
Voi ma-mút được trưng bày tại Bảo tàng Lịch sử tự nhiên Neuchâtel ở Thụy Sĩ - (Ảnh: Rama)

Nhóm của ông Ho trước đó đã tiến hành nhiều cuộc nghiên cứu về voi ma-mút lông dài. Họ phát hiện một protein máu (hemoglobin) vận chuyển ô-xy từ phổi đi khắp nơi trong cơ thể của loài voi ma-mút lông dài có những biến đổi về ADN khiến nó trở nên khác so với ADN của “em họ” mình là loài voi châu Á.

Các nhà khoa học hiện có thể phát triển những sản phẩm máu mới để hỗ trợ các biện pháp can thiệp y khoa hiện đại, vốn bao gồm việc giảm nhiệt độ cơ thể của bệnh nhân. Theo báo cáo nghiên cứu được công bố trên chuyên san Biochemistry của Hội Hóa học Mỹ số mới nhất, ông Ho và các cộng sự đang hướng đến những biến thể vốn đã giúp voi ma-mút sống sót trong nhiều năm.

Điều khiến cuộc nghiên cứu này trở nên thú vị và đáng chú ý là mẫu máu voi ma-mút không có sẵn. Để hoàn thành cuộc nghiên cứu, các chuyên gia đã tạo ra một protein hemoglobin trong phòng thí nghiệm bằng cách sử dụng các trình tự ADN bị phân mảnh từ ba con voi ma mút đã chết ở Siberia từ 25.000 đến 43.000 năm trước đây.

Các nhà nghiên cứu không thể sử dụng hemoglobin của người hoặc của voi châu Á do protein của voi ma-mút lông dài ít nhạy cảm hơn với những thay đổi về nhiệt độ. Điều này đặc biệt quan trọng bởi dù trong môi trường lạnh, hemoglobin của voi ma-mút lông dài vẫn có thể dễ dàng “tháo khoán” ô-xy đến các mô có nhu cầu trong mùa lạnh. Các hemoglobin của con người và voi châu Á không thể làm việc này.

Nhóm của ông Ho tin rằng khả năng thích nghi với môi trường lạnh mà voi ma-mút lông dài có được là nhờ ít nhất 2 biến thể trong gien hemoglobin của loài vật này. Nói tóm lại, nghiên cứu của các chuyên gia Đại học Carnegie Mellon có thể dẫn đến việc thiết kế những sản phẩm máu nhân tạo mới hoặc sử dụng trong tình trạng giảm thân nhiệt xuất hiện trong các cuộc phẫu thuật tim và não.

Theo Thanh Niên
  • 1.505