Các nhà khoa học mới đây công bố phát hiện khảo cổ tại Algeria với nhiều công cụ đá và xương động vật cho thấy không chỉ Đông Phi, mà toàn bộ châu Phi, là cái nôi của loài người.
Theo CNN, khoảng 250 công cụ, đặt cạnh 296 bộ xương động vật có niên đại 2,4 triệu năm tuổi được khai quật ở Algeria cho thấy những người đầu tiên đã sinh sống ở Bắc Phi sớm hơn khoảng 600.000 năm so với dự đoán của các nhà khoa học về khu vực này.
Trước đó, tổ tiên của loài người, với tên gọi "hominin", được cho là có nguồn gốc từ Đông Phi và sinh sống ở đây hàng triệu năm trước khi di chuyển đến các vùng khác trên lục địa.
Tuy nhiên, phát hiện mới đây "cho thấy tổ tiên của chúng ta đã mạo hiểm đi tới mọi ngóc ngách của châu Phi chứ không chỉ ở Đông Phi", Mohamed Sahnouni, người đứng đầu dự án khảo cổ, cho biết trong tuyên bố mới đây. "Những bằng chứng mới tìm thấy ở Algeria đã thay đổi quan điểm trước đó, cho rằng Đông Phi là cái nôi của nhân loại. Trên thực tế, toàn bộ châu Phi là cái nôi của loài người".
Các nhà khoa học đang khảo sát khu vực khảo cổ chứa các hiện vật từ Thời kỳ Đồ đá. (Ảnh: Đại học York).
Việc khai quật được thực hiện tại khu vực Ain Boucherit gần thành phố Setif, khoảng hơn 300km về phía đông của thủ đô Algiers, Algeria.
Những hiện vật được tìm thấy giống với công cụ "Oldowan", được khai quật trước đó ở phía đông và phía bắc châu Phi. Các nhà nghiên cứu từ Algeria, Pháp, Tây Ban Nha và Australia đã tham gia vào dự án khảo cổ kéo dài suốt 25 năm này.
CNN dẫn lời Isabel Cáceres, thuộc tổ chức khảo cổ Tây Ban Nha IPHES, người tham gia dự án, nói: “Việc sử dụng hiệu quả các công cụ sắc bén tại Ain Boucherit cho thấy tổ tiên của chúng ta không chỉ là những người ăn xác thối”.
"Hiện tại không rõ liệu họ có săn bắt hay không, nhưng bằng chứng rõ ràng cho thấy tổ tiên loài người tại Bắc Phi đã cạnh tranh thành công với các loài thú ăn thịt khác và có quyền được động vào xác những con vật này đầu tiên", bà nói thêm.
Tuy nhiên Đông Phi vẫn được coi là cái nôi của nhân loại, khi những công cụ được tìm thấy trước đây tại khu vực này có niên đại lên tới 2,6 triệu năm. Các nhà khảo cổ dự đoán rằng có thể vẫn còn rất nhiều hiện vật chưa được khai quật ở Algeria, mở ra con đường mới trong việc tìm kiếm nguồn gốc của con người.
Một số vật dụng được làm bằng vỏ sò được tìm thấy ở Tây Ban Nha có niên đại 115.000 đến 120.000 năm. (Ảnh: Nature).
"Khu vực Ain Boucherit ẩn giấu công cụ "Oldowan" có niên đại 2,4 triệu năm, trong khi đó Bắc Phi và sa mạc Sahara cũng có thể là kho lưu trữ nhiều hiện vật khảo cổ khác. Chúng tôi hi vọng tại Bắc Phi sẽ phát hiện hóa thạch "hominin" và công cụ "Oldowan" có niên đại 2,6 triệu năm như ở Đông Phi", các tác giả của bài nghiên cứu đăng trên tạp chí Science viết.
Tuy không tìm thấy xương hóa thạch của người nhưng các công cụ và xương động vật cho thấy bằng chứng rõ ràng về hoạt động của con người tại khu vực Bắc Phi. Một số xương động vật còn xuất hiện vết cắt, cho thấy tổ tiên chúng ta đã dùng công cụ để mổ xẻ, theo các nhà khoa học.
Phát hiện này có thể dẫn tới một "kịch bản đa nguồn gốc", với việc con người chế tạo và sử dụng công cụ ở các địa điểm khác nhau của châu Phi cùng lúc. Nói cách khác, "việc sản xuất công cụ bằng đá đã nhanh chóng lan rộng" trong những ngày đầu tồn tại của loài người, các nhà khoa học cho biết trong nghiên cứu.
Hồi đầu năm nay, một vài công cụ đá có niên đại 2,12 triệu năm cũng được tìm thấy ở Trung Quốc. Các nhà khảo cổ tham gia dự án tại Trung Quốc nói phát hiện của họ cho thấy tổ tiên loài người đã rời khỏi Đông Phi và đi tới khu vực ngày nay là châu Á.
Nếu không tìm thấy hiện vật ở Algeria, giả thuyết trên có thể vẫn được công nhận. Nhưng phát hiện mới này mở ra một câu chuyện khác, rằng từ nơi sinh ra, con người không chỉ di chuyển sang phía tây mà còn phía về phía đông.