Chỉ với vật dụng đơn giản, có thể sửa ngay được vòi hoa sen bị tắc, chảy yếu trong phòng tắm mà không cần gọi thợ.
Phòng tắm của mỗi gia đình đều có vòi hoa sen. Sau một thời gian dài sử dụng, nước sẽ chảy yếu, thậm chí một số tia xả nước còn bị tắc. Một trong những nguyên nhân chính là do đất cát đọng lại ở đầu vòi.
Trong trường hợp này nên làm thế nào khi đầu vòi sen có nhiều lỗ nhỏ, khó vệ sinh sạch sẽ.
Có thể áp dụng công thức làm sạch dưới đây.
- Đổ giấm trắng vào túi nilon rồi trùm kín vòi hoa sen sao cho nước bên trong túi ngập kín vòi. Ngâm như vậy trong 30 phút. Nếu quá nhiều vết bẩn, có thể ngâm lâu hơn. Giấm trắng không chỉ tiêu diệt vi khuẩn mà còn làm mềm cặn bã bên trong vòi hoa sen.
Đổ giấm trắng vào trong một chiếc túi ni lông, buộc chặt đầu vòi hoa sen, có tác dụng làm mềm cặn bã bên trong. (Ảnh: 360 kuai).
- Hết thời gian ngâm, bỏ đầu vòi hoa sen ra khỏi túi bóng và thoa một ít kem đánh răng lên đầu vòi. Vì kem đánh răng chứa chất mài mòn mảng bám nên có thể dùng để chà rửa các vết bẩn, dễ dàng loại bỏ cặn bã. Lắp lại đầu vòi hoa sen đã được vệ sinh sạch sẽ và mở nước để thử lại. Tốc độ cũng như các tia nước sẽ phun mạnh hơn, cặn bã cũng sẽ thoát ra cùng với dòng nước chảy.
- Tiếp tục ngâm đầu vòi hoa sen vào nước ấm có pha giấm trắng trong 30 phút, Trong quá trình đó, bạn có thể cầm đầu vòi lắc qua lắc lại trong chậu để cặn cứng đầu rơi ra. Sau quá trình ngâm, về cơ bản đã có thể làm sạch cặn bám trong vòi hoa sen. Lúc này có thể dùng bàn chải đánh răng chải sạch đầu vòi.
- Dùng vải mềm và nước lau sạch vòi hoa sen. Tiếp tục mở vòi để áp lực nước đẩy hết các cặn bẩn ra ngoài.
Nếu áp dụng cách trên vẫn không hiệu quả, nên tháo rời từng chi tiết ra rồi lấy tô vít hay thanh kim loại nhỏ chọc vào từng lỗ cho chất cặn bẩn bên trong rơi ra hết.
Ngoài ra, nếu nguyên nhân là do dây bát sen thì nên mua một chiếc mới có khả năng tăng áp lực để nước chảy mạnh hơn.