Với khả năng làm giảm nhiệt độ môi trường, cây mía có thể trở thành vũ khí hữu ích trong cuộc chiến chống biến đổi khí hậu.
Ảnh minh họa: antoansinhhoc.vn.
Xinhua cho biết, các nhà khoa học của Phòng Sinh thái địa cầu thuộc Viện nghiên cứu Carnegie tại Mỹ thu thập hàng trăm bức ảnh một vùng trồng mía có diện tích khoảng 1.173 km2 tại Brazil do các vệ tinh chụp. Trước kia vùng đất này được sử dụng để trồng một loại cây lương thực. Họ phân tích nhiệt độ, mức độ phản chiếu ánh sáng mặt trời và tốc độ mất nước trong đất cũng như thân cây trong giai đoạn trước và sau khi trồng mía.
Kết quả cho thấy nhiệt độ trung bình sau khi trồng mía thấp hơn nhiều so với giai đoạn trồng cây lương thực.
"Chúng tôi nhận thấy việc trồng cây lương thực hay cỏ khiến nhiệt độ trung bình trong vùng tăng lên vì các loại cây đó giải phóng ra ít hơi nước. Tuy nhiên, lá mía phản chiếu được nhiều ánh sáng mặt trời hơn, đồng thời thân mía giải phóng nhiều hơi nước hơn so với các loại cây kia", Scott Loarie, trưởng nhóm nghiên cứu, nói.
Loarie cho rằng việc trồng mía có hai lợi ích. Thứ nhất, người ta có thể dùng mía để sản xuất xăng sinh học. Khi ô tô dùng xăng sinh học, lượng khí thải ra môi trường sẽ giảm. Thứ hai, sự hiện diện của những ruộng mía góp phần làm giảm nhiệt độ môi trường, nhờ đó làm giảm tốc độ ấm lên toàn cầu.
Nhóm nghiên cứu nhấn mạnh rằng tác dụng làm giảm nhiệt độ của mía chỉ thể hiện trên những ruộng trồng cây lương thực hoặc cỏ, chứ không thể hiện trên những ruộng rau. Trên thực tế mức độ phản chiều ánh sáng mặt trời và giải phóng hơi nước của mía và rau gần tương đương nhau.