Mộ "tổ ong" kỳ lạ trên đảo Sicily Italy

  •  
  • 713

Nghĩa địa đá Pantalica ở Sicily, Italy là một quần thể mộ thời tiền sử, bao gồm hàng nghìn ngôi mộ đẽo sâu vào vách hẻm núi, trông tựa một chiếc tổ ong.

Nghĩa địa đá Pantalica kỳ lạ ở Italy

Giữa nhiều hang động và vách đá, khoảng 5.000 ngôi mộ có thể nhìn thấy từ xa, đa phần khoét vào núi đá vôi. Những ngôi mộ tương đối nhỏ, có hình vuông, chữ nhật hoặc bầu dục. Khi tiến vào bên trong, chúng giống như hang động nhân tạo và một số có nhiều gian.

Mộ "tổ ong" kỳ lạ trên đảo Sicily Italy
Một khu mộ ở nghĩa địa Pantalica. (Ảnh: Carlo Columba/Flickr.)

Nghĩa địa Pantalica nằm ẩn trên dãy núi Hyblae, kéo dài 1.200 m từ bắc xuống nam và 500 m từ đông sang tây ở Sortino, Sicily. Tọa lạc trong thung lũng do các con sông Calcinara và Anapo tạo thành, khu vực này tập hợp những ngôi mộ chạy dọc sườn núi.

Nghĩa địa Pantalica do 5 khu mộ hợp thành. Filiporto với gần 1.000 ngôi mộ nằm ở mặt tây nam của mũi đất. Khu mộ North West hình thành vào thế kỷ 11 – 12 trước Công nguyên. Khu mộ Cavetta gồm những ngôi mộ và nhà trên vách đá tồn tại từ thời tiền sử. Khu North chứa khoảng 1.000 ngôi mộ trên những đỉnh núi dốc nhìn ra sông Calcinara trong khi khu South kéo dài hơn 1 km dọc sông Anapo.

Mộ "tổ ong" kỳ lạ trên đảo Sicily Italy
Bên trong một ngôi mộ khoét vào vách đá vôi. (Ảnh: Siculodoc.)

Pantalica được thành lập bởi người dân bản xứ đến từ ven biển Sicily, phát triển vào cuối thời kỳ Đồ đồng. Họ bắt đầu khoét mộ trên vách núi vào đầu thế kỷ 12 trước Công nguyên. Tuy nhiên, khu mộ bị bỏ hoang khi người Sicani đến định cư vào thế kỷ 7 trước Công nguyên.

Năm 1300 trước Công nguyên, bộ tộc Sicani tiến vào định cư trong thung lũng giữa hai con sông Anapo và Calcinara. Họ cư ngụ trên những vùng núi cao hiểm trở để phòng vệ, tận dụng các hang động đá vôi tự nhiên và đào thêm hang vào lòng núi.

Đầu thời La Mã, những ngôi mộ mới tiếp tục được tạo ra. Sau nhiều thế kỷ, Pantalica lại có người sinh sống vào thế kỷ 8 và 9 sau Công nguyên, đóng vai trò như một cứ điểm phòng thủ quan trọng chống lại quân xâm lược Arab. Người Hồi giáo sau đó phát hiện hẻm núi hiểm trở này là nơi ẩn náu lý tưởng và thành lập một cộng đồng dân cư ở đây thời Trung cổ.

Trải qua hơn ba thiên niên kỷ, Pantalica trở thành nơi chứng thực cho sự phát triển của các nền văn minh và là nghĩa địa đá lớn nhất ở châu Âu.

Theo VnExpress
  • 713