Một phát hiện đáng sợ trong di truyền học

  •  
  • 3.453

Chấn thương tâm lý hay stress trong lứa tuổi trẻ em có thể làm thay đổi mãi mãi gene trong não bộ, các nhà nghiên cứu Canada tuyên bố. 

Ảnh: pro.corbis.com.

Tìm những người tự tử mà thời thơ ấu đã bị bỏ bê hay lạm dụng là một chuyện khó, vậy mà Moshe Szyf và đồng nghiệp còn phải có được não của những người tự tử đó.

Trong 13 trường hợp đã được cho phép, nhân viên của Quebec Suicide Brain Bank (Ngân hàng não của những người tự sát ở Quebec) được phép lấy ra khỏi hộp sọ phần hippocampus - vùng não đóng vai trò quan trọng trong việc học và nhớ. Họ cắt nhỏ vùng não chỉ dài vài cm, bỏ vào trong hộp đựng bằng nhựa trong suốt, đông lạnh đến -80°C và cho mang đến phòng thí nghiệm của Giáo sư Szyf tại Đại học McGill ở Montreal, Canada.

Giáo sư Szyf nảy sinh ý tưởng nghiên cứu não của những người tự sát khi đang thí nghiệm trên chuột. Ông tự hỏi tại sao những con chuột con không được chuột mẹ chăm sóc khi lớn lên lại trở thành những sinh vật nhút nhát, luôn luôn chạy trốn vào góc chuồng tối nhất. Động thái bất thường này, theo ông Szyf xác định, có liên quan đến một thay đổi đột ngột trong bộ gene: Gene cho thụ quan xử lý stress trong mô thần kinh đã mất đi khả năng hoạt động.

Stress làm xáo trộn hoạt động bình thường của gene? Gần như chẳng một ai tin rằng lại có một hiệu ứng trực tiếp đến như thế. Và ở đây nảy sinh thêm một câu hỏi: Có những thứ tương tự như vậy ở con người hay không? Bố mẹ bỏ bê hay lạm dụng con cái có làm thay đổi mãi mãi gene trong não của đứa bé hay không?

Szyf muốn trả lời câu hỏi nhờ vào những mẫu thí nghiệm từ Quebec. Nhóm nghiên cứu của ông đã tách chất di truyền ADN từ những tế bào thần kinh của những người tự sát và tìm trong đó dấu vết mà sự lạm dụng thời thơ ấu có thể đã để lại.

Và thật sự là cuộc phân tích đã mang lại điều đó: Một gene chủ chốt trong các tế bào của hippocamus của các nạn nhân không còn hoạt động tốt nữa. Tuy chính gene này không hư hại nhưng nó đã bị chuyển sang trạng thái "tắt", vì một xúc tác hóa học.

Để so sánh, các nhà nghiên cứu đã khám nghiệm não của những người chết vì tai nạn mà cho đến thời điểm ra đi đột ngột họ đã sống một cuộc sống hạnh phúc. Ở họ gene này không suy suyển.

"Trải nghiệm trong tuổi thơ đánh dấu bộ não", ông Szyf tin như vậy. "Sự đánh dấu này còn lại và đến một lúc nào đó sẽ gây ra một cái gì như bệnh hoạn. Trong những trường hợp do chúng tôi khám nghiệm đó là việc tự sát".

Với kết luận này, Szyf đã đi xa hơn câu hỏi của sự lạm dụng. Phỏng đoán của ông đã mang sự tương tác tổng thể của môi trường xung quanh, gene và thái độ cư xử ra trước một ánh sáng hoàn toàn mới.

Tất nhiên từ lâu người ta đã biết rằng lạm dụng sẽ để lại những vết thương tâm hồn. Nhưng không một ai biết những quá trình di truyền thần kinh nào gây ra việc này.

Phát hiện đáng sợ này gây sự chú ý đến một lĩnh vực non trẻ của ngành biểu sinh học: Kinh nghiệm trải qua để lại dấu tích hóa học có thể được di truyền lại. Điều này cho thấy quan điểm trong thời gian dài vừa qua - cho rằng chỉ có đột biến ngẫu nhiên của ADN mới có thể tạo nên đặc điểm mới cho thế hệ sau - dường như là một giáo điều của sinh học.

Theo Phan Ba - VnExpress (Spiegel Online)
  • 3.453