Những thông tin về Macedonia thường chỉ được đăng lên trang nhất báo chí quốc tế khi các xung đột sắc tộc bùng nổ. Nhưng đất nước nhỏ bé này đang muốn thay đổi hình ảnh của họ khi trở thành "quốc gia không dây" đầu tiên trên thế giới.
Chỉ sau 4 năm, Macedonia đã "lột xác" từ một trong những nước nghèo nhất châu Âu thành khu vực tân tiến về mặt công nghệ.
Nhờ tài huy động vốn đầu tư của chính phủ các nước, 430 trường học tại Macedonia hiện nay được trang bị thư viện máy tính riêng và khả năng phủ sóng băng thông rộng trên toàn lãnh thổ của họ khiến nhiều quốc gia phương Tây giàu có phải ghen tỵ.
Những ngôi trường và làng mạc từng không có lấy một chiếc điện thoại cố định giờ đây được kết nối với cả thế giới qua mạng không dây dựa trên công nghệ của Motorola. Dự án này được ra đời từ niềm tin của cố tổng thống Boris Trajkovski rằng trẻ em cần được tiếp xúc với công nghệ hiện đại ngay khi còn nhỏ.
Năm 2002, trong chuyến thăm chính thức Trung Quốc, Trajkovski quyết định sẽ trang bị cho ngành giáo dục những hệ thống máy tính sử dụng phần mềm mã mở của quốc gia phương Đông này. Sau đó, Microsoft cũng đã ủng hộ hơn 6.000 phiên bản phần mềm Windows.
Chỉ riêng điều trên đã được coi là một cuộc cải cách lớn đối với Macedonia. Nhưng theo Trajkovski, thiếu Internet là một thiệt thòi lớn đối với trẻ em. Ông bắt đầu gặp gỡ và thuyết phục tổ chức cứu trợ USAid của Mỹ đầu tư cho Macedonia trong một thập kỷ.
Tuy được USAid giúp đỡ, dự án phổ biến Internet vẫn vấp phải rào cản lớn về tài chính do chi phí kết nối quay số (dial-up) tốc độ chậm tiêu tốn tới hơn 300 USD/tháng cho mỗi trường học. Glenn Strachan, Giám đốc dự án Macedonia Connects, cho biết tình trạng này xảy ra bởi công ty viễn thông địa phương Maktel đã nâng mức giá xây dựng cơ sở hạ tầng và chi phí hoạt động.
Ngày 31/12/04, Maktel chấm dứt độc quyền và USAid nhanh chóng triển khai dịch vụ Internet tốc độ cao giá rẻ không chỉ cho trường học mà cả những bộ phận khác. Tháng 8/2005, hãng cung cấp dịch dụ Internet On.Net cơ bản hoàn thành cơ sở hạ tầng để phủ sóng mạng không dây trên toàn quốc và một tháng sau, tất cả các trường học ở Macedonia được kết nối.
Strachan biết rằng công nghệ hiện đại không dễ gì hàn gắn những vết thương chiến tranh ở Macedonia, nhưng về lâu dài, Internet sẽ giúp họ cải tiến chất lượng giáo dục và hiện đại hóa toàn bộ nền kinh tế. Trước mắt, hơn 300.000 học sinh, sinh viên được phép truy cập Internet miễn phí và USAid gần đây cũng cam kết tiếp tục mở rộng dự án hỗ trợ Macedonia.