Ngày 14-5, cơn mưa đầu mùa tuy nhỏ nhưng kéo dài cả ngày đã gây sạt lở, ngập úng nhiều nơi ở TP.HCM. Nhiều đường ngập nửa mét hoặc hơn, người dân phải cảnh báo hoặc “phong tỏa hố hầm” dưới nước để người đi đường khỏi sụp bẫy.
Mưa... bung cửa sắt!
Khoảng 8 giờ sáng 14-5, sau khi cơn mưa kéo dài khoảng 30 phút, nước từ kênh thoát nước Ba Bò thuộc khu vực phường Bình Chiểu, quận Thủ Đức bắt đầu dâng cao và nhanh chóng tràn ngập nhà người dân dọc con kênh này.
Bà Nguyễn Ngọc Minh, một người dân trong khu vực, cho biết nước từ con kênh thoát nước chảy ầm ầm mạnh đến nỗi làm bung cánh cửa sắt khi người dân đóng lại. Nhiều hộ dân phải nháo nhào kê dọn và di chuyển đồ đạc đến những nơi cao hơn. Do lượng nước thải từ các khu công nghiệp Sóng Thần, Đồng An (Bình Dương) đổ về cộng với nước mưa quá lớn trong khi kênh thoát nước này lại quá tải nên nước thoát không kịp.
Không chỉ vậy, đường kính của đoạn cống nối liền kênh Ba Bò bắc ngang qua tỉnh lộ 43 lại quá nhỏ, nước chảy từ thượng nguồn đến đây bị ứ đọng và tràn lên mặt đường gây ngập gần nửa bánh xe làm nhiều xe chết máy. Nước chảy xiết cũng làm một đoạn đường dài gần 5m (ăn sâu vô mặt đường gần 2m) tại miệng cống trên tỉnh lộ 43 bị sạt lở, mặt đường có dấu hiệu bị lún.
Chiều 14-5, đường Tô Ngọc Vân, Thủ Đức vẫn ngập sâu trong nước |
Đến chiều cùng ngày, dân phòng phường Bình Chiểu phải phong tỏa khu vực sạt lở bằng các hàng rào sắt và hướng dẫn giao thông qua khu vực này. Tuy nhiên vẫn chưa thấy cơ quan chuyên môn nào xuất hiện đánh giá mức độ nguy hiểm và gia cố đoạn sạt lở này. Nước từ kênh Ba Bò cũng tràn làm ngập gần trăm hộ dân các tổ dân phố 17E, 17F, 17C và làm xói lở sâu 30-50cm hàng loạt tuyến hẻm khu vực này. Đến 16 giờ tại các hẻm này nước vẫn chưa rút hết.
Đến khoảng 15g, trên tuyến đường Tô Ngọc Vân, Bình Chiểu, Lê Thị Hoa vẫn còn ngập sâu 20-30cm. Bà Trần Thị Miên, một người dân trên đường Tô Ngọc Vân, cho biết mưa không lớn nhưng do khu vực này trũng, cống thoát nước lại nhỏ nên cũng bị ngập kéo dài. Cũng trong buổi sáng, xe cộ nối đuôi nhau ùn tắc trên tuyến đường này do bị ngập sâu khoảng 50-60cm.
Không lối thoát!
Đoạn đường Phan Huy Ích thuộc P.15, Q. Tân Bình (trước Nhà máy dầu Tường An) cũng ngập sâu khoảng 30cm làm nhiều xe cộ bị tắt máy. Dọc theo các hố ga ven đường, nước thải từ dưới cống trào lên bốc mùi hôi thối nồng nặc.
Ông Nguyễn Văn Thiệu, một người dân, bức xúc nói: “Đã hơn ba năm nay, người dân dọc tuyến đường này hứng chịu rất nhiều phiền toái vì ngập lụt. Tai nạn giao thông xảy ra liên tục. Dù tuyến đường này gần kênh Hi Vọng và kênh Tham Lương nhưng cứ mưa là ngập”.
Nằm cách điểm ngập khoảng 40m, con kênh Hi Vọng đã bị rác bịt kín. Bà Thanh Nguyên, nhà kề bên kênh Hi Vọng, than: “Trước đây, dọc tuyến đường Phan Huy Ích còn nhiều ruộng đồng nên rất ít khi bị ngập. Đến nay vì đô thị hóa nên nước ngập không còn lối thoát. Chỉ còn duy nhất hệ thống cống thoát nước ra kênh Hi Vọng và kênh Tham Lương nhưng lại không được tận dụng triệt để”. Tại quận Tân Phú, mấy cơn mưa vừa qua cũng gây ngập nhiều tuyến đường như Lũy Bán Bích, Bình Long, Văn Cao, Nguyễn Văn Xảo..., có nơi ngập sâu 20-40cm.
Đoạn đường sạt lở gần cống thoát nước trên tỉnh lộ 43 |
Quốc lộ cũng ngập
Trên quốc lộ 1A có đoạn dài gần 50m gần cầu Suối Cái (Q.12) nước ngập lấn ra nửa đường vì không có cống thoát nước. Còn tại tuyến đường Phan Văn Hớn (Q.12) đang thi công hệ thống thoát nước cũng bị ngập nặng, có nơi ngập sâu khoảng 0,5m. Nhiều người phải chạy xe hai bánh trên vỉa hè nhưng vẫn bị chết máy. Ông Nguyễn Huy Hải, sống trên đường này, bức xúc: “Dọc tuyến đường như một dòng sông dơ bẩn, hai bên vỉa hè thì hầm hố nham nhở. Nhiều hố đào dọc tuyến đường này bị ngập nước trở thành những cái bẫy lúc trời mưa”.
Còn nhóm thanh niên chạy xe ôm trên tuyến đường này nói trong mấy cơn mưa lớn vừa qua làm tuyến đường ngập đã xảy ra ít nhất 10 vụ tai nạn giao thông mỗi ngày. Dọc tuyến đường có rất nhiều hố, ống cống cũ nên người dân phải cắm biển báo hiệu để hạn chế tai nạn giao thông.
Buổi sáng, đường Lê Đức Thọ (P.13, Q.Gò Vấp) ngập nước nhiều đoạn, trong đó đoạn đường gần cầu Trường Đại ngập hơn 30cm. Nhiều người đi xe gắn máy chở hàng qua đoạn đường ngập nước sâu khiến máy tắt phải xuống xe đẩy bộ. Nước ngập nặng vì hầu như toàn tuyến đường này không có cống thoát nước.
Còn tại khu vực đường Nguyễn Thái Sơn, phường 3, dù mưa đã bớt nhiều nhưng từ trưa đến chiều cùng ngày nước ngập mới rút được đôi phần, giữa lòng đường vẫn ngập khoảng nửa bánh xe, còn lại hai bên đường (phần đường tiếp giáp vỉa hè nhà người dân) nhiều đoạn nước đen ngòm như nước cống tù đọng thành vũng lớn.
Hơn 85 điểm ngập nước Ông Lê Toàn - phó giám đốc Sở Giao thông công chính TP.HCM - cho biết: “Nhằm giải quyết ngập nước trong mùa mưa năm nay, Sở GTCC TP đã chỉ đạo đơn vị chức năng nạo vét toàn bộ cống rãnh trên địa bàn. Đồng thời sở cũng đã yêu cầu nạo vét cục bộ một số kênh rạch nhằm hạn chế ngập nước và chống tái ngập”. TP có 85 điểm ngập nước được thống kê trong năm ngoái (chưa kể có những điểm mới phát sinh). Hiện nay, có một số tuyến đường bị ngập nước là do trên đường chưa có hệ thống cống thoát nước nên khi có mưa là đường ứ đọng nước. Để giải quyết tình trạng ngập nước nặng ở các khu vực, TP đã và đang triển khai thực hiện các dự án thoát nước lớn. UBND TP đã giao Viện Kinh tế, Sở GTCC và các cơ quan liên quan nghiên cứu tình trạng thoát nước của TP.HCM và của một số tỉnh lân cận để đề xuất các giải pháp chống ngập do việc xả nước của nhà máy thủy điện cũng liên quan đến thoát nước ở TP. N.ẨN |
Q.KHẢI - T.TRUNG - P.THANH - V. HƯƠNG