Theo các chuyên gia, ở Hà Nam (Trung Quốc) mới diễn ra trận mưa lũ “nghìn năm có một” khiến hơn 7,5 triệu dân chịu ảnh hưởng bởi lũ lụt, 56 nạn nhân thiệt mạng và hơn 1,5 triệu người phải sơ tán. Thiệt hại ước tính hơn 10 tỉ USD sẽ không ảnh hưởng đến Việt Nam.
Liên quan đến trận mưa lũ lịch sử xảy ra ở tỉnh Hà Nam (Trung Quốc), trao đổi với phóng viên ông Mai Văn Khiêm, Giám đốc Trung tâm Dự báo KTTV Quốc gia cho biết: “Hiện nay tại Trung Quốc đang là mùa mưa nên việc xuất hiện các đợt mưa lớn là phù hợp với quy luật. Tuy nhiên, tại tỉnh Hà Nam xảy ra mưa lớn với lượng mưa đạt hơn 600 mm trong vòng sau 24h thì đúng là quá lớn và được cơ quan khí tượng Trung Quốc đánh giá là trận mưa lớn chưa từng có suốt 1.000 năm qua ở tỉnh Hà Nam, Trung Quốc”.
Ông Mai Văn Khiêm, Giám đốc Trung tâm Dự báo KTTV Quốc gia.
Theo ông Khiêm, hiện chưa có nghiên cứu đánh giá cụ thể nguyên nhân đợt mưa lớn cực đoan này. Tuy nhiên, một trong những nguyên nhân gây ra các hiện tượng thiên tai khốc liệt và hiếm gặp này được gắn với sự kiện biến đổi khí hậu. Biến đổi khí hậu dẫn đến sự thay đổi về tần suất, cường độ, quy mô không gian, thời gian và quy luật hoạt động của các cực đoan thời tiết và khí hậu: Nhiệt độ nóng lên có thể làm cho các nhiễu động của hệ thống khí quyển như dải hội tụ nhiệt đới, các xoáy, bão, áp thấp nhiệt đới, mưa lớn, giông, tố lốc,... trở nên mạnh hơn và xảy ra nhiều hơn.
Đánh giá về công tác dự báo mưa lớn, đặc biệt là dự báo mưa cực đoan, ông Khiêm cho rằng, trong những năm qua, với sự phát triển của khoa học và công nghệ, dự báo khí tượng thủy văn trên thế giới đã có những bước tiến bộ nhất định. Tuy nhiên, dự báo lượng mưa lớn vẫn là một thử thách lớn đối với bài toán nghiệp vụ trên thế giới, đặc biệt là mưa cực đoan.
“Chúng ta mới dự báo tốt về vùng mưa lớn, chưa thể dự báo chính xác lượng mưa tại một vị trí, thời gian cụ thể. Công nghệ dự báo của thế giới hiện nay chưa có khả năng dự báo lượng mưa lên đến vài trăm mm trong vài giờ như vậy. Các nghiên cứu mô phỏng số với độ phân giải cao bằng các mô hình bất thủy tĩnh có độ phân giải quy mô đám mây trong thời gian qua đã chỉ ra rằng các dự báo bằng mô hình số có tính dự báo thấp, đặc biệt đối với cấp mưa lớn. Điều này là do tính dự báo của khí quyển bị chi phối rất mạnh bởi các nhiễu động có quy mô không gian và thời gian rất nhỏ. Một kích thích đối lưu nhỏ hay sai lệch của tâm hội tụ ẩm mực thấp cũng có thể dẫn đến các thay đổi rất nhanh của các bất ổn định trong khí quyển và tạo nên các phân bố đối lưu sâu khác nhau dẫn đến hệ quả mưa khác nhau”, ông Khiêm chia sẻ.
Dòng xe bị cuốn trôi trong nước lũ ở thành phố Trịnh Châu, tỉnh Hà Nam, miền Trung Trung Quốc. (Ảnh: Guardian).
Theo thống kê thực tế không phải những năm gần đây thường xuất hiện các cơn bão có đường đi rất kỳ dị hoặc cùng lúc xuất hiện 2-3 cơn hoặc các tổ hợp nguy hiểm tương tác, mà trong quá khứ cũng đã xảy ra nhiều trường hợp như vậy tạo ra các thiên tai có nguồn gốc khí tượng thủy văn gây thiệt hại rất lớn về người và tài sản của nhân dân.
Nguyên nhân xảy ra 2-3, thậm chí 3-4 cơn bão hoạt động đồng thời là do hoạt động của dải hội tụ nhiệt đới thường được hình thành trong những tháng mùa mưa bão (từ tháng 6-11 hàng năm). Dải hội tụ nhiệt đới này thường kéo dài hàng nghìn km. Trên dải hội tụ luôn tồn tại các trung tâm khí áp thấp, nếu điều kiện thuận lợi các trung tâm khí áp thấp này sẽ mạnh lên và tạo thành những cơn bão hoặc áp thấp nhiệt đới.
Việc dự báo những cơn bão hoạt động đồng thời và những tổ hợp thời tiết tương tác lẫn nhau là rất phức tạp và khó khăn, đòi hỏi phải theo dõi liên tục để phát hiện những sự thay đổi nhỏ của hoàn lưu khí quyển. Hiện tại do hệ thống quan trắc khí tượng thủy văn ở trên Biển Đông nói riêng và ở vùng biển Thái Bình Dương nói chung còn hạn chế và thưa thớt dữ liệu nên rất khó khăn cho công tác dự báo những cơn bão có hướng di chuyển phức tạp hoặc bị tương tác bởi những cơn bão khác.
Ông Khiêm cho biết, mưa lớn trong năm 2020 gây lũ kỷ lục, đe dọa đập Tam Hiệp-Dương Tử là do Front Meiyu (hệ thống thời tiết gây mưa chính ở Trung Quốc và khu vực Đông Á) duy trì hoạt động kéo dài, cường độ mạnh hơn bình thường.
Nhiều ngôi làng ở tỉnh Hà Nam vẫn đang ngập trong biển nước (Ảnh: SCMP).
Năm 2020 Front (ranh giới phân tách hai khối không khí có nhiệt độ khác nhau) Meiyu tồn tại gây mưa suốt từ giữa tháng 4 tới tận tháng 6/2020. Còn trong năm nay (2021) mưa lớn xảy ra trên hệ thống sông Hoàng Hà, nằm phía trên của hệ thống sông Dương Tử, sâu vào trong đất liền nằm ở phần phía Bắc của Trung Quốc, nguyên nhân là do có một khối không khí biển lấn từ phía Đông vào kết hợp với vùng xoáy thấp, gây mưa lớn trên hệ thống sông Hoàng Hà, thủ phủ Trịnh Châu, tỉnh Hà Nam của Trung Quốc.
“Tỉnh Hà Nam nằm ở miền Trung của Trung Quốc, cách khá xa Việt Nam, nên trận mưa lũ lịch sử vừa qua tại đây không ảnh hưởng đến Việt Nam”, ông Khiêm nhấn mạnh.
Theo cơ quan khí tượng thủy văn Việt Nam nhận định, hiện tượng ENSO sẽ duy trì trạng thái trung tính đến đầu năm 2022. Dự báo tình hình không khí lạnh năm 2021 có nhiều nét tương đồng năm 2020, cường độ có thể không mạnh bằng. Bắc Bộ năm nay dự báo có mùa Đông khô với nhiều ngày nắng hanh, đêm lạnh.
Về dự báo bão, năm 2021 dự báo bão sẽ tập trung vào tháng 10 và 11, có thể kéo sang tháng 12, nhưng không dồn dập như năm 2020. Bão và mưa lớn ở miền Trung, đặc biệt ở khu vực Trung và Nam Trung Bộ xảy ra nhiều vào tháng 10 và tháng 11, có thể sang cả tháng 12/2021.