Khi một con kiến chết, các thành viên khác sẽ nhanh chóng chôn nó nhằm ngăn chặn nguy cơ lây lan dịch bệnh. Mãi tới gần đây các nhà khoa học mới hiểu tại sao chúng có thể phát hiện những con chết.
Trong suốt nhiều thập kỷ qua giới khoa học tin rằng khi kiến chết, cơ thể chúng sẽ tiết ra một số hóa chất trong quá trình phân hủy (như axit béo) để báo hiệu cho những con khác biết chúng đã lìa đời.
Một nhóm sinh viên của Đại học California (Mỹ) quyết định nghiên cứu kiến ở Argentina (loài kiến nhỏ xíu, màu sẫm sống ở phía bắc nước này) để kiểm chứng giả thuyết trên.
Trong quá trình tìm hiểu, nhóm sinh viên nhận thấy, tất cả kiến, dù sống hay chết, đều liên tục tiết ra những hóa chất báo hiệu cái chết. Nhưng kiến sống còn tiết ra một số hóa chất liên quan tới sự sống. Khi cuộc đời kiến kết thúc, những hóa chất báo hiệu sự sống sẽ tiêu tan. Những con sống sẽ chỉ ngửi thấy mùi hóa chất báo hiệu cái chết.
“Kiến chết có mùi khác hẳn khi còn sống nên những con khác có thể nhận ra và chôn cất chúng, chứ không phải do xác kiến tỏa ra những hóa chất mới sau khi chết”, Dong-Hwan Choe, trưởng nhóm nghiên cứu, phát biểu.
Choe cho rằng phát hiện trên sẽ giúp các nhà khoa học đề ra một chiến thuật tiêu diệt côn trùng một cách hiệu quả mà không phải dùng nhiều thuốc trừ sâu. Khi phun một loại thuốc trừ sâu không thấm nước và phản ứng chậm vào tổ kiến, đương nhiên một số con sẽ chết. Khi một con gục ngã trong tổ, những con khác buộc phải đem nó ra ngoài và thuốc trừ sâu sẽ lan từ con chết sang con sống. Nhờ cách đó mà một lượng thuốc sâu nhỏ có thể giết chết nhiều kiến hơn so với các phương pháp truyền thống.