NASA công bố quy tắc bảo vệ Mặt trăng và sao Hỏa khỏi mầm bệnh từ Trái đất

  •   52
  • 639

NASA vừ phát hành hai Chỉ thị tạm thời mới nhằm thực hiện các biện pháp bảo vệ Mặt trăng và sao Hỏa khỏi bị ô nhiễm trong tiến trình chinh phục vũ trụ của con người.

Chỉ thị tạm thời của NASA (NID) chi tiết hóa các yêu cầu mới đối với các nhiệm vụ của con người và robot đi đến và trở về từ Mặt trăng và sao Hỏa. Những chỉ thị này được ban hành để bảo vệ các hành tinh khỏi mọi ô nhiễm sinh học có thể có nguồn gốc trên Trái đất và ngăn chặn mọi vật liệu sinh học từ các hành tinh có thể được đưa về Trái đất.

Chỉ thị này được ban hành để bảo vệ các hành tinh khỏi mọi ô nhiễm sinh học có thể có nguồn gốc trên Trái đất.
Chỉ thị này được ban hành để bảo vệ các hành tinh khỏi mọi ô nhiễm sinh học có thể có nguồn gốc trên Trái đất.

Một trong những chỉ thị mới được công bố đề cập đến vấn đề tiềm ẩn của ô nhiễm sinh học được mang từ Trái đất đến một hành tinh khác trong các sứ mệnh Mặt trăng trong tương lai. Chỉ thị thứ hai liên quan đến sao Hỏa, bao gồm cả ô nhiễm chiều đi và chiều về Trái đất.

Các quan chức NASA cho biết, các chỉ thị này được tạo ra quy định quyền lợi và nghĩa vụ trong ba cộng đồng cụ thể.

"Chúng tôi đang cố gắng cân bằng quyền lợi của cộng đồng khoa học, cộng đồng nhà thám hiểm và cộng đồng thương mại", Quản trị viên NASA Jim Bridenstine tuyên bố khi tiết lộ về NID trong hội thảo trực tuyến "Đối thoại Mặt trăng" theo giờ địa phương.

Người đứng đầu NASA giải thích, điều quan trọng là các sứ mệnh trong tương lai phải để lại "một môi trường nguyên sơ để chúng ta biết rằng những gì chúng ta khám phá sau đó không phải là thứ còn lại bởi chúng ta”. 

"Chúng ta sẽ lên Mặt trăng và trên thực tế, chúng ta sẽ ở lại Mặt trăng. Một số phần của Mặt trăng, từ góc độ khoa học, cần được bảo vệ nhiều hơn các phần khác của Mặt trăng khỏi ô nhiễm sinh học từ Trái đất", ông Bridenstine nói thêm.

Một trong hai phi hành gia của tàu Apollo 11, đặt những bước chân đầu tiên lên mặt trăng vào ngày 20-7-1969.
Một trong hai phi hành gia của tàu Apollo 11, đặt những bước chân đầu tiên lên Mặt trăng vào ngày 20-7-1969. (Ảnh: NASA).

"Mục tiêu quan trọng của chúng ta là thăm dò Mặt trăng bền vững, đồng thời bảo vệ các vùng bị che khuất vĩnh viễn", Thomas Zurbuchen, Quản trị viên liên kết Ban giám đốc Sứ mệnh Khoa học của NASA cho biết thêm trong một tuyên bố của NASA.

Các vùng bị che khuất vĩnh viễn là tầng của các miệng hố gần hai cực Mặt trăng được cho là chứa rất nhiều băng nước.

"Những địa điểm này có giá trị khoa học to lớn trong việc định hình sự hiểu biết của chúng ta về lịch sử của hành tinh, Mặt trăng và Hệ Mặt trời", ông Zurbuchen nói.

Chỉ thị tạm thời quy định Mặt trăng bao gồm hai khu vực khác nhau. Phần lớn của Mặt trăng sẽ thuộc loại 1, đòi hỏi các biện pháp bảo vệ ít nhất. Các nhiệm vụ đến các địa điểm trong loại 2, chủ yếu là Bắc và Nam Cực, sẽ phải thông qua các biện pháp bảo vệ hành tinh chặt chẽ hơn, Quản trị viên NASA Jim Bridenstine cho biết.

Ngoài ra, thật thú vị, các địa điểm trên Mặt trăng từng là nơi các sứ mệnh Apollo của NASA hạ cánh và thiết bị để lại không nằm trong quy định NID của Mặt trăng.

Với sao Hỏa, vẫn còn nhiều điều cần tìm hiểu về hành tinh Đỏ. Vì thế, chỉ thị NID định hướng khám phá những cách tốt nhất bảo vệ hành tinh này, và chưa có các danh mục cụ thể như đã được xác định với Mặt trăng.

Bởi vì NID là các chỉ thị tạm thời và không phải là chỉ thị chính sách, nên vẫn tiếp tục được sửa đổi.

"Có lẽ nó sẽ được sửa đổi rất nhiều lần bây giờ và trong tương lai", người đứng đầu NASA Bridenstine nói.

Cập nhật: 15/07/2020 Theo Nhân Dân
  • 52
  • 639