NASA sẽ đưa robot 433,5 triệu USD lên Mặt trăng

  •  
  • 186

NASA đang lên kế hoạch phóng robot di động đầu tiên tới Mặt trăng năm 2023 nhằm tìm kiếm băng cùng các nguồn tài nguyên khác ở trên và dưới mặt đất.

Dữ liệu từ Robot tự hành khám phá vùng cực và nghiên cứu bay hơi (VIPER) sẽ giúp NASA lập bản đồ nguồn tài nguyên ở cực nam Mặt trăng, có thể thu thập trong tương lai để phục vụ con người trong dài hạn. Thiết kế của VIPER lần đầu tiên sử dụng đèn pha để trợ giúp khám phá vùng tối của Mặt trăng. Khu vực này không có ánh sáng chiếu rọi trong hàng tỷ năm qua, nằm trong số những điểm lạnh nhất hệ Mặt Trời. Hoạt động nhờ năng lượng Mặt Trời, VIPER cần nhanh chóng tiến hành thao tác ở cực Nam Mặt trăng.

Mô phỏng robot VIPER hoạt động ở vùng tối của Mặt trăng.
Mô phỏng robot VIPER hoạt động ở vùng tối của Mặt trăng. (Ảnh: NASA).

"Dữ liệu nhận từ VIPER có khả năng giúp các nhà khoa học xác định vị trí chính xác và mật độ băng trên Mặt trăng, từ đó đánh giá môi trường và tài nguyên tiềm năng ở cực nam Mặt trăng để chuẩn bị cho những phi hành gia trong chương trình Artemis", Lori Glaze, giám đốc Ban Khoa học Hành tinh của NASA ở trụ sở chính tại Washington, cho biết. "Đây là một ví dụ khác cho thấy những nhiệm vụ robot và khám phá bởi con người có liên quan chặt chẽ và cả hai đều cần thiết khi chúng ta chuẩn bị sinh sống bền vững trên Mặt trăng".

NASA giao nhiệm vụ phóng và đưa VIPER xuống bề mặt Mặt trăng cho Astrobotic. Sau khi ở trên Mặt trăng, robot sẽ khám phá các miệng hố, sử dụng bộ bánh xe chuyên dụng và hệ thống treo để xử lý nhiều bề mặt dốc và loại đất. Thiết kế của robot được cải tiến đáng kể dựa trên một thiết kế trước đây mang tên Resource Prospector. Thời gian thực hiện nhiệm vụ của VIPER là 3 ngày Mặt trăng (tương đương 100 ngày trên Trái đất). Các chức năng của VIPER cũng được nâng cấp để thu thập nhiều dữ liệu hơn trên bề mặt Mặt trăng.

VIPER sẽ mang theo 4 thiết bị, bao gồm Mũi khoan băng và lớp đất mặt để khám phá địa hình mới (TRIDENT), Khối phổ kế quan sát hoạt động ở Mặt trăng (MSolo), Hệ thống quang phổ kế cận hồng ngoại (NIRVSS) và Hệ thống quang phổ kế neutron (NSS). Phiên bản ban đầu của những thiết bị trên sẽ được thử nghiệm trên bề mặt Mặt trăng trước nhiệm vụ VIPER, giúp nhóm nghiên cứu giảm thiểu rủi ro và kiểm tra dữ liệu vận hành. Chi phí cho mẫu robot cỡ vừa này là 433,5 triệu USD.

"VIPER sẽ là robot toàn năng nhất NASA từng đưa tới bề mặt Mặt trăng, cho phép con người khám phá những khu vực chưa từng thấy trước đây", Sarah Noble, nhà khoa học làm việc trong chương trình VIPER, cho biết. "Robot này sẽ cho chúng ta biết về nguồn gốc và sự phân bố nước trên Mặt trăng để chuẩn bị khai thác các nguồn tài nguyên cách Trái đất hơn 386.000 km, có thể dùng để đưa các phi hành gia bay xa hơn trong vũ trụ, bao gồm sao Hỏa".

Thông qua chương trình Artemis, NASA sẽ đưa robot và phi hành gia tới khám phá Mặt trăng. Khi các phi hành gia trở lại Mặt trăng lần đầu tiên từ năm 1972, họ sẽ đi theo vệt bánh xe của VIPER và hạ cánh ở cực nam.

Cập nhật: 26/05/2021 Theo VnExpress
  • 186