Nếu bánh mỳ bị mốc một nửa, bạn có thể ăn phần bánh còn lại chưa bị mốc không?

  •  
  • 2.075

Trong trường hợp một ổ bánh mỳ bị mốc một phần và phần còn lại vẫn còn ngon. Bạn có dám ăn không? Bài viết sẽ cung cấp những thông tin về nấm mốc và lời tư vấn liệu bạn có nên ăn phần bánh mỳ chưa bị mốc hay không.

Có không ít trường hợp để tiết kiệm, mọi người chỉ cắt phần bánh bị mốc đi và ăn phần còn lại chưa có dấu hiệu lạ. Nhưng liệu miếng bánh không có móc có thực sự an toàn và chúng ta có nên ăn không?

Câu trả lời theo khuyến nghị của Marianne Gravely, một chuyên gia thông tin kỹ thuật cao cấp của Bộ Nông nghiệp Mỹ (USDA) là không nên ăn và tốt nhất hãy vất chúng vào thùng rác. Marianne khẳng định, nấm mốc có thể hình thành các mạng ngầm và thâm nhập sâu vào trong bánh mà chúng ta không hề hay biết.

Nấm mốc là gì?

Mốc thực chất thuộc họ nhà nấm. Chúng thường mọc dưới dạng sợi nhỏ đa bào hay còn gọi là sợi nấm. Mốc là chủng nấm lớn và khá đa dạng thường sản sinh ở những ẩm ướt, tối tăm. Chúng tiêu thụ chất hữu cơ ở bất kỳ nơi nào và có tốc độ sinh trưởng đáng nể. Chúng gây ra sự phân hủy vật chất tự nhiên bao gồm thực phẩm hay quần áo.

Mốc thực chất thuộc họ nhà nấm.
Mốc thực chất thuộc họ nhà nấm.

Nếu quan sát trên kính hiển vi, bạn có thể thấy chúng giống như những loại nấm mỏng manh. Nó có dạng như thân cây với bào tử ở trên đầu. Đó là lý do bạn luôn thấy các mảng mốc màu xanh dương pha lá cây, đó chính là bào tử của nấm mốc.

Nhưng có những thứ bạn sẽ không thể thấy được đó chính là bộ rễ của nó. Rễ của mốc thường lây lan và xâm nhập bên trong thực phẩm. Chúng hình thành các mạng lướt liên kết bên trong thực phẩm mà bạn sẽ không bao giờ quan sát được bằng mắt thường.

Do đó dù bạn có nhìn thấy một nửa bánh mỳ còn vẫn sạch và không có dấu hiệu mốc thì thực sự, nửa bánh mỳ đó vẫn không an toàn, bởi bộ rễ của mốc đôi khi đã lây lan sâu vào hết chiếc bánh mà bạn không hề hay biết.

Ngoài ra, mốc trên thực phẩm còn có thể dẫn tới tình trạng tăng sinh vi khuẩn gây bệnh trên người nếu không may ăn phải.

Có nên ăn phần bánh mỳ không bị mốc hay không?

Nếu trong trường hợp bánh mỳ chia thành các miếng nhỏ như bánh mỳ gối và chỉ có một miếng bị mốc, liệu rằng, bạn có thể ăn những miếng còn lại?

Mốc hoàn toàn có thể nhảy qua lại giữa các miếng bánh mỳ.
Mốc hoàn toàn có thể nhảy qua lại giữa các miếng bánh mỳ.

Tất nhiên vẫn có xác suất bánh mỳ không bị lây mốc từ miếng này qua miếng khác. Nhưng con số này không nhiều. Gravely chỉ ra rằng, mốc hoàn toàn có thể nhảy qua lại giữa các miếng bánh mỳ. Nói cách khác, "quân đoàn" nấm mốc sẽ tung hoành và đánh chiếm tất cả các miếng bánh mỳ còn lại, nếu bạn đựng chúng trong túi.

Nó giống như thể cây bồ công anh bị thổi tung khi có trận gió vậy. Tốt nhất là hãy tiêu hủy chỗ bánh mỳ đó để đảm bảo sức khỏe, hoặc bạn có thể cắt bỏ phần mốc và đem phần còn lại làm thức ăn cho vật nuôi trong nhà.

Ăn phải thực phẩm nấm mốc có làm sao không?

Đây chắc chắn là câu hỏi chung của nhiều người. Trên thực tế có nhiều loại nấm mốc hoàn toàn vô hại với sức khỏe con người, nhưng có một vài loại nấm mốc lại gây ra hiện tượng dị ứng hoặc các bệnh hô hấp. Trong một số trường hợp, nấm mốc có thể sản sinh ra độc tố mycotoxin nguy hiểm chết người nhưng là trong trường hợp tiếp xúc lâu dài và số lượng lớn.

Một số triệu chứng có thể gặp phải khi dị ứng nấm mốc như: ho, đau đầu, khó thở, ngứa ngảy, mệt mỏi hoặc nghẹt mũi, chảy nước mũi,…

Nấm mốc trên pho mát và các loại thực phẩm khác thì sao?

Bạn có thể quyết định vứt đi một nửa ổ bánh mỳ bị mốc nhưng bạn có dám làm điều đó khi phát hiện thấy một miếng pho mát hoặc hoa quả bị nấm mốc?

Câu trả lời là còn tùy, ví dụ như một số loài pho mát như Gorgonzola và Roquefort được tạo nên chủ yếu từ một chủng nấm mốc an toàn cho sức khỏe và hơn hết, chúng tạo ra một hương vị vô cùng hấp dẫn.

Một số loại pho mát được tạo nên chủ yếu từ một chủng nấm mốc an toàn cho sức khỏe.
Một số loại pho mát được tạo nên chủ yếu từ một chủng nấm mốc an toàn cho sức khỏe.

Hoặc như loại mốc Koji thường được ứng dụng để ủ rượu sake, sochu, lên men hỗn hợp đậu nành và bột mì để làm miso hoặc xì dầu. Thậm chí trong lịch sử, sự ra đời của thuốc kháng sinh penicillin còn liên quan đến một loại mốc.

Thế nhưng rõ ràng việc ăn nấm mốc vẫn là một canh bạc vô cùng liều lĩnh. Nếu phát hiện nấm mốc xuất hiện trên pho mát để trong tủ lạnh, bạn vẫn có thể sử dụng được. Hãy cắt đi phần bị nấm mốc với độ sâu ít nhất khoảng 2,5cm, sau đó lại bảo quản pho mát thật kỹ và để lại vào tủ lạnh.

Bạn cũng có thể làm điều tương tự với các loại trái cây, rau quả cứng như cà rốt, cải bắp. Còn các loại thực phẩm khác như bơ đậu phộng, thạch, sữa chua, thịt hầm hay mì ống,… tốt nhất bạn nên vứt bỏ để đảm bảo sức khỏe.

USDA cho biết, nếu nhìn thấy một thứ gì đó bị mốc, tốt nhất đừng cố ngửi nó, bởi nó có thể dẫn tới các vấn đề đường hô hấp cho bạn. Khi vứt bỏ hãy bọc thức ăn bị nấm mốc trong túi nhựa và vứt vào thùng rác đúng nơi quy định.

Sau đó hãy nhớ làm sạch tủ lạnh hoặc những nơi để thực ăn bị mốc vì ở những nơi này vẫn còn mầm mống nấm mốc và chúng sẵn sàng lại lây nhiễm cho các thức ăn khác của bạn.

Tủ lạnh dù là nơi bảo quản nhưng cũng có thể trở thành nơi phát sinh mốc rất tốt vì chứa nhiều hơi ẩm.
Tủ lạnh dù là nơi bảo quản nhưng cũng có thể trở thành nơi phát sinh mốc rất tốt vì chứa nhiều hơi ẩm.

Thêm vào đó, hãy chú ý kiểm tra các loại thực phẩm, rau, củ quả để gần nguồn thực phẩm bị nhiễm nấm mốc đã vứt bỏ. Nấm mốc thường lây lan rất nhanh đặc biệt qua các loại trái cây, rau quả. Hầu hết các loại thực phẩm, chủ yếu là loại có phần thịt mềm đều dễ nhiễm nấm mốc và nên sớm loại bỏ.

Cách tốt nhất để hạn chế nấm mốc xuất hiện trên thực phẩm hoặc quần áo, đồ vật, đó là phải giảm độ ẩm ở nơi bảo quản thực phẩm. Đó là cách hữu hiệu nhất để giảm các điều kiện lý tưởng cho mốc sinh sôi.

Cập nhật: 01/10/2018 Theo vnreview
  • 2.075