Nga phóng tàu vũ trụ chở ba nhà du hành lên ISS

  •  
  • 1.344

Tàu vũ trụ Soyz MS vừa mang theo ba nhà du hành vũ trụ rời Trái Đất lên Trạm Vũ trụ Quốc tế (ISS).

Tập đoàn vũ trụ quốc gia Roscosmos của Nga cho biết, tên lửa đẩy Soyuz FG mang theo tàu vũ trụ Soyz MS đã được phóng từ sân bay vũ trụ Baikonur (Kazakhstan) ngày 7/7.

Tàu Soyuz MS sau đó đã tách khỏi tầng thứ 3 của tên lửa đẩy Soyz-FG, đi vào quỹ đạo và bay về phía ISS. Dự kiến, tàu đến trạm ISS vào ngày 9/7. "Hành khách" của chuyến đi là nhà du hành vũ trụ Anatoly Ivanisin (người Nga), Kathleen Rubins (người Mỹ) và Takuya Onisi (người Nhật Bản).

Nữ phi hành gia Mỹ Kathleen Rubins cùng các đồng nghiệp Nga (giữa) và Nhật Bản.
Nữ phi hành gia Mỹ Kathleen Rubins cùng các đồng nghiệp Nga (giữa) và Nhật Bản. (Nguồn: NASA).

Tàu "Soyuz MS" được chế tạo trong chương trình hiện đại hóa "Soyuz TMA". Tàu vũ trụ có người lái mới với hệ thống điều khiển chuyển động và định vị được hoàn thiện.

Các chuyên gia của Tập đoàn tên lửa vũ trụ Energia đã tăng diện tích và công suất các tế bào quang điện của tàu Soyuz MS — các tấm năng lượng Mặt Trời sẽ cung cấp nhiều năng lượng hơn. Ngoài ra, hệ thống cung cấp điện, các thiết bị đo lường, thông tin liên lạc và hệ thống truyền hình cũng được thiết kế mới.

Soyuz MS là mẫu tàu vũ trụ mới được thiết kế để thay thế tàu Soyuz TMA-M. Tàu này được trang bị mới các hệ thống đo đạc trong chuyến bay, các hệ thống hướng dẫn, dẫn đường và điều hành hoàn toàn mới. Trọng lượng tàu giảm nhẹ so với mẫu cũ và thiết kế tàu được cải tiến để dễ dàng sản xuất hơn.

Soyuz (có nghĩa là "Liên hiệp") là loại tàu vũ trụ của Nga dùng để đưa các nhà du hành vũ trụ lên không gian. Trải qua nhiều lần cải tiến, Soyuz đã trở thành loại tàu vũ trụ được sử dụng lâu nhất cho đến nay. Nó đã đưa phi hành gia lên các trạm không gian như Salyut (Pháo hoa), Mir (Hoà bình) và hiện nay là ISS.

Các tàu Soyuz đã và sẽ tiếp tục được cải tiến để nâng cao độ an toàn và tin cậy. Nó hứa hẹn sẽ còn được tiếp tục sử dụng lâu dài trong thế kỷ này.

Cập nhật: 08/07/2016 Theo tgvn
  • 1.344