Ngày 25/4/1990: Kính viễn vọng không gian Hubble đi vào hoạt động

  •  
  • 1.002

Ngày 25.04.1990, kính viễn vọng không gian Hubble trị giá 2,5 tỷ USD đi vào hoạt động sau khi được phóng lên từ tàu vũ trụ Discovery và đưa vào quỹ đạo 600km của Trái đất. Đây là kính viễn vọng không gian đầu tiên được đưa lên quỹ đạo Trái đất.

Kính viễn vọng không gian Hubble
Kính viễn vọng không gian Hubble - (Ảnh: Reuters)

Kính thiên văn vũ trụ Hubble (tiếng Anh: Hubble Space Telescope, viết tắt HST) là một kính thiên văn của NASA, nặng 12 tấn có kích cỡ tương đương một chiếc xe bus. Nó được đưa lên và hoạt động trên quỹ đạo của Trái Đất tại độ cao khoảng 600 km, cao hơn khoảng 220 km so với độ cao quỹ đạo của trạm vũ trụ quốc tế ISS. Với tốc độ di chuyển khoảng 7500 m/s, Hubble có thể quay 1 vòng quanh Trái Đất trong thời gian 97 phút và 15 lần mỗi ngày. Kính Hubble mang tên của nhà thiên văn học Mỹ Edwin Powell Hubble (1889-1953). Đây là kính thiên văn phản xạ được trang bị hệ thống máy tính và một gương thu ánh sáng có đường kính 240 cm.

Hubble được trang bị đầy đủ các công cụ hoạt động bằng năng lượng Mặt Trời, nhằm chụp lại tất cả những hình ảnh của vũ trụ với ánh sáng khả kiến, cực tím (UV) và ánh sáng bước sóng cận hồng ngoại. Tất nhiên, tất cả các thiết bị trên Hubble đều được thiết kế để hoạt động ngoài khí quyển của Trái Đất và nếu đặt Hubble dưới mặt đất, rất nhiều thiết bị sẽ không còn tác dụng nữa.

Dự án kính viễn vọng Hubble này đã bị chậm tiến độ tới 7 năm và vượt ngân sách khoảng 2 tỷ USD. Mặc dù vậy sau khi được phóng lên quỹ đạo Trái đất, các nhà thiên văn học mới phát hiện ra một lỗi trên gương chính, làm giảm tầm nhìn và khiến cho Hubble không thể quan sát được những ngôi sao ở xa như dự kiến. Phải đến năm 1993, ống kính quang học chính của Hubble mới được sửa thành công. Và cho đến nay Hubble đã đóng góp rất nhiều trong các dự án nghiên cứu vũ trụ của loài người.

Trong 26 năm hoạt động trên vũ trụ, kính viễn vọng không gian Hubble giúp con người biết về sự hiện diện của những hố đen vũ trụ, mang về hình ảnh chi tiết của nhiều tinh vân cũng như sự va chạm của các thiên hà.

Hubble cũng giúp các nhà thiên văn học nghiên cứu sự thay đổi thời tiết trên các hành tinh khác, và phát hiện cả những nguyên tố như Natri trong vùng không gian bao quanh các hành tinh đó, theo hãng tin Aljazeera.

Bên cạnh đó, những dữ liệu mà kính viễn vọng không gian Hubble mang về cũng giúp các nhà khoa học tính toán khoảng cách giữa các vật thể trong không gian.

Cập nhật: 25/04/2016 Tổng hợp
  • 1.002