Nghe từ bé đến giờ, đã bao giờ bạn tự hỏi "Âm nhạc tới từ đâu?"

  •  
  • 582

Dù đang ở bất cứ đâu, bạn cũng có thể tìm thấy âm nhạc. Tất cả mọi nền văn hóa đều tạo ra một hình thái của âm nhạc mà không có ngoại lệ nào cả. Cũng như ngôn ngữ, nó là một đặc điểm chung của con người chúng ta, và qua thiên niên kỉ này, nó đã nảy nở thành một bản giao hưởng toàn cầu phong phú và đáng kinh ngạc. Nhưng nguồn gốc của âm nhạc vẫn là một trong những bí mật lớn nhất trong lịch sử loài người.

Nhạc cụ lâu đời nhất được tìm thấy là những cây sáo làm từ xương niên đại 42.000 năm tuổi được tìm thấy trong những hang động ở Đức. Thanh nhạc chắc chắn tồn tại từ trước cả thời điểm này, nhưng vấn đề theo nhà âm nhạc học tại Đại học Amsterdam, ông Henkjan Honing, thì là việc “âm nhạc không hóa thạch và bộ não của chúng ta không hóa thạch”. Với quá ít bằng chứng rõ rệt, các nhà khoa học vẫn tiếp tục tranh luận về việc âm nhạc phục vụ mục đích tiến hóa nào. Và vì nguyên nhân này quá thiếu rõ ràng, đủ để gây ra tranh luận, một số người hoài nghi đã đặt câu hỏi liệu nó có tác dụng gì hay không.

Cây sáo cổ đại có tuổi thọ từ 35.000-40.000 năm, được tìm thấy tại hang Geißenklösterle, Đức.
Cây sáo cổ đại có tuổi thọ từ 35.000-40.000 năm, được tìm thấy tại hang Geißenklösterle, Đức.

Charles Darwin nghĩ là có. Trong âm nhạc, ông đã tìm thấy bằng chứng cho học thuyết về chọn lựa giới tính ít được biết đến của mình. Bằng việc so sánh với tiếng chim hót, một phần của chiến thuật dụ dỗ bạn tình của muôn loài, ông đưa ra ý kiến trong cuốn “The Descent of Man” xuất bản năm 1871: mặc dù những âm điệu du dương không giúp chúng ta tồn tại qua ngày, có thể nó đã phát triển “để quyến rũ đối tượng khác giới”.

Hiện nay, quan điểm coi âm nhạc như là một bản tình ca nguyên thủy không mấy phổ biến. Nhưng nhiều ý tưởng mới đã xuất hiện khi các nhà tâm lý học, nhân chủng học hay các nhà khoa học nhận thức tiếp tục đương đầu với sự bí ẩn của âm nhạc.

Một thứ đồ ăn vặt để nhấm nháp hay là chất keo xã hội?

Trong nhiều thập kỉ, các nhà nghiên cứu âm nhạc thường chia ra làm 2 trường phái quan điểm: những người tin rằng chủ đề nghiên cứu của mình là sự thích nghi sinh học, và những người tin rằng nó là một sáng chế văn hóa.

Với nhóm thứ hai, những giai điệu được chúng ta trân trọng không khác gì những thứ xa hoa phù phiếm, hay như nhà tâm lý học tiến hóa Steven Pinker đề cập trong cuốn sách Cách thức Tâm trí Hoạt động, ông gọi chúng là một thứ “bánh phô mai thính giác”, là đồ vặt ăn cho sướng miệng chứ không mang lại tác dụng thực tế gì.

Theo Pinker thì âm nhạc không phải là hành vi thích nghi sinh học độc lập, nó là một thứ phụ phẩm xuôi tai xuất hiện một cách ngẫu nhiên cũng như những sự thích nghi khác, ví dụ như sự hình thành ngôn ngữ. Ông Pinker viết: “Về mặt nguyên nhân và sự ảnh hưởng sinh học, âm nhạc không có tác dụng gì cả. Âm nhạc có thể biến mất khỏi giống loài của chúng ta và phần còn lại của đời sống hầu như sẽ chẳng thay đổi gì.”

Một số người lại thấy khẳng định này có vẻ quá tùy tiện. Sau cùng thì, khả năng tạo ra và tận hưởng âm nhạc có vẻ như đều có sẵn trong mỗi chúng ta, cũng như những sự thích nghi giá trị khác. Dù cho hiện nay âm nhạc có thể là một nghề nghiệp, nhưng ngay cả “những người bình thường chưa từng học âm nhạc cũng có hiểu biết tiềm tàng về cấu trúc của thứ âm nhạc thuộc về nền văn hóa của họ”, theo như bà Sandra Trehub, nhà tâm lý học tại Đại học Toronto. Họ có thể không nhận ra một rải hợp âm (arpeggio, hiểu nôm na là một khoảng dồn nốt nhạc tạo nên nhịp điệu nhanh) từ một quãng, nhưng họ có thể giữ nhịp, lặp lại cao độ và chuyển động cơ thể theo tiếng nhạc.

Nữ thần Bat

Bà Trehub nghiên cứu sự nhận thức âm nhạc ở trẻ sơ sinh. “Chúng khá bị quyến rũ bởi âm nhạc”, bà nói, và khả năng phân biệt sự khác nhau về cao độ hay tính thời điểm, bằng cách này hay cách khác là tương tự với người lớn. Chúng thậm chí có thể nhớ được những giai điệu trong nhiều tháng sau khi được nghe. Bà kết luận: “Bạn nhận thấy những khả năng đáng kinh ngạc này, và bạn phải nghĩ rằng, có một nền tảng sinh học tạo nên chúng.”

Điều này không hẳn mang hàm ý chúng ta đã phát triển một nền tảng sinh học riêng cho âm nhạc, nhưng nhiều nhà khoa học đã đưa ra những lý giải về khả năng này. Một số cho rằng âm nhạc là một cơ chế cho việc liên kết xã hội, giúp chúng ta cùng tồn tại trong những nhóm có tính gắn kết, hoạt động tốt.

Trong nhiều triệu năm, những loài linh trưởng họ hàng của chúng ta đã chải chuốt cho đồng loại nhằm thắt chặt tình cảm trong đàn: chúng làm sạch cơ thể của những cá thể khác và giải phóng endorphin, chất do não bộ tiết ra có khả năng giảm đau và tạo cảm giác tích cực. Nhưng trong những nền văn hóa lớn và phức tạp hơn của con người, hành động chải chuốt đơn thuần là không đủ. Việc nhảy và hát tập thể có thể phục vụ cùng mục đích trên một quy mô lớn hơn.

Vẫn còn một khả năng khác: âm nhạc xuất hiện từ những âm thanh du dương mà cha mẹ tạo ra để giao tiếp với trẻ sơ sinh. Nếu những bài hát ru thời tiền sử cải thiện được liên kết giữa cha mẹ và trẻ sơ sinh cũng như tỷ lệ sống sót của trẻ, những giai điệu ru con có thể sở hữu đặc tính khích lệ tiến hóa độc nhất vô nhị.

Một số nhà nghiên cứu thậm chí tranh luận rằng, những phiên bản xa xưa nhất của âm nhạc đã có thể tạo nên chính ngôn ngữ (Darwin cũng tin vào điều này). Những người khác cho rằng âm nhạc và ngôn ngữ cùng chia sẻ một gốc gác chung. Trong cuốn sách Những người Neanderthal biết hát, nhà khảo cổ học Steven Mithen cho rằng nguồn gốc chung này là một hệ thống giao tiếp cổ sử dụng từ tượng thanh “Hmmmmm - hừmmmm”, vừa đại diện được cho khái niệm chung, vừa mang tính ra lệnh và sai khiến, vừa đóng vai trò từ tình thái, vừa có chất nhạc lại vừa dễ bắt chước theo. Nhà thần kinh học Steven Brown công tác tại Đại học McMaster gọi đây là “musilanguage” (tạm dịch: ngôn ngữ nhạc).

Vượt lên sự chia rẽ

Một số người đã tìm kiếm con đường khác để lý giải cho nguồn gốc âm nhạc, không phân định rạch ròi giữa "thích nghi" và "sáng chế"; nhà âm nhạc học Savage cho rằng màn tranh luận giữa hai nguồn gốc đã không còn tính hữu ích. Ông và một số người khác phân biệt hai khái niệm riêng biệt, giữa âm nhạc - một sản phẩm văn hóa và nhạc tính - những nền tảng sinh học cho phép chúng ta tạo ra và cảm thụ âm nhạc. Dù những khái niệm này không thể giải thích được nguồn gốc tột cùng của âm nhạc, nhưng nó lại mở đường cho âm nhạc vừa có thể sinh ra tự nhiên, lại vừa có thể phát triển dọc theo chặng đường tiến hóa của con người.

Vào tháng Tám năm ngoái, trong một nỗ lực để có thể dung hòa nhiều giả thuyết trước đó, Savage và một nhóm đồng tác giả thuộc nhiều lĩnh vực đã đăng tải một nghiên cứu, giới thiệu thứ họ cho là “giả thuyết toàn diện nhất cho tới nay” (mà Savage thừa nhận nó vẫn có vẻ “quá chung chung”). Họ gợi ý rằng âm nhạc (thuộc văn hóa) và nhạc tính (thuộc sinh học) đã phát triển song song, trong một loại “tiến hóa văn hóa-di truyền”.

Ý tưởng của họ được dựa trên các nghiên cứu của Aniruddh Patel, một nhà thần kinh học nhận thức giảng dạy tại Đại học Tufts, người cho rằng âm nhạc ban đầu là một phát minh, nhưng sau đó nó tỏ ra hữu dụng trong gắn kết xã hội, tới mức khởi phát một vòng lặp phản hồi tiến hóa trong nhận thức chung. Chọn lọc tự nhiên bắt đầu ưu tiên thứ nhạc tính mới được phát hiện này, một tạo tác của con người, cũng như cách nó ưu tiên việc thích nghi với chế độ ăn thực phẩm nấu chín sau khi con người "thuần hóa" được lửa.

Savage và các đồng nghiệp cũng nhìn liên kết xã hội một cách rộng hơn, bao gồm nhiều cách thức mà chúng ta có thể xây dựng và duy trì những mối quan hệ với những người khác. Âm nhạc có thể đóng vai trò chất keo xã hội, họ đồng tình, nhưng nó cũng có ích trong việc dỗ dành trẻ em khóc hay quyến rũ bạn tình, mới chỉ hai trong số vô vàn chức năng khác. Việc xem xét phiến diện hành vi linh hoạt này, theo nhóm nghiên cứu, có một chút giống như coi thị giác chỉ phát triển, tiến hóa cho việc phát hiện kẻ săn mồi, hay chỉ để tránh các chướng ngại vật, khi mà nó rõ ràng là “một bộ công cụ nhận thức hơn là một công cụ đơn lẻ.”

Dàn nhạc động vật

Âm nhạc có thể kết nối con người nói chung, nhưng lại không làm được điều đó với những người nghiên cứu nó. Bài viết của Savage là một trong hai nghiên cứu về âm nhạc được đăng tải trên tạp chí khoa học Khoa học về Hành vi và Não bộ. Bài còn lại, với tác giả chính là nhà tâm lý học Samuel Mehr từ Đại học Harvard, “khác biệt đáng kể”, như ông và các cộng sự viết. Họ giữ quan điểm rằng “âm nhạc có cội nguồn tiến hóa sâu xa”, liên quan tới tổ tiên linh trưởng của chúng ta.

Ông Honing, từ Đại học Amsterdam, cũng chia sẻ quan điểm này và khẳng định: “Tôi vẫn tin vào Darwin. Tôi vẫn tin rằng chúng ta có thể chia sẻ một số [đặc điểm âm nhạc] với các động vật khác, và rằng [âm nhạc] có lịch sử tiến hóa lâu dài”. Bằng cách cân nhắc các thành phần của nhạc tính mà chúng ta có chung với các sinh vật khác, từ cá voi cho tới vượn, trong cuốn sách Dàn giao hưởng Động vật Tiến hóa Không ngừng ông viết gần đây, ông hi vọng sẽ học hỏi được nhiều hơn về sự phát triển của âm nhạc với con người.

Ông Honing tiếp: “Đó là chiến thuật ở thì hiện tại, đưa nhận định về quá khứ tiến hóa của ta thông qua quan sát những loài khác.” Những ứng cử viên rõ ràng nhất là các loài linh trưởng - những loài có thể đã tiến hóa từ cùng khởi điểm âm nhạc như chúng ta, cũng như những loài chim - một ví dụ về tiến hóa tập trung: một loài không có liên hệ gần với chúng ta, nhưng vì lí do nào đó đã đạt được nhạc tính tương tự. Nhà âm nhạc học Henkjan Honing gọi hai ví dụ dưới đây, vẹt mào Snowball và sư tử biển Ronan, là “những đại sứ của lĩnh vực này ở thời điểm hiện tại”.


Vẹt Snowball có thể cảm thụ âm nhạc.


Sư tử biển Ronan thể hiện khả năng âm nhạc của mình.

Nghiên cứu về di truyền, của cả động vật và con người, cũng là một hướng đi đầy hứa hẹn theo ông Honing. Tất nhiên, chúng ta đừng mong đợi sự xuất hiện của một thứ như là “gene âm nhạc”. Đặc điểm nhận thức - dù là ngôn ngữ, nhạc tính, trí nhớ hay xử lý hình ảnh - đòi hỏi sự phối hợp phức tạp của nhiều loại gene. Nhưng có thể việc phân tích kĩ hơn có thể phát hiện thứ gì đó mới lạ, như cách gene FOXP2 có liên kết với khả năng sử dụng ngôn ngữ trên người. Dù vậy, các chuyên gia nhận thức được rằng đừng quá hy vọng vào một thuyết vạn vật cho âm nhạc. Bà Trehub nói: “Tôi không nghĩ rằng bất cứ ai có thể gói gọn nó vào một lý thuyết nhỏ bé, đẹp đẽ. Nó là một chủ để phức tạp.”.

Với những nhà âm nhạc học, điều này rõ ràng là đúng. Với một người bình thường, thì âm nhạc có thể đơn giản tới mức đáng ngạc nhiên. Như nhà cổ nhân học Iain Morley viết trong cuốn Tiền sử Âm nhạc, ghi lại lời dạy thông thái của Willy Selam, một người Chinook - người bản địa Châu Mỹ: “Tâm nhãn của bạn nhìn thấy năng lượng trong vạn vật, dù là trong một ngọn cỏ. Đó là lý do người ta trở thành ca sĩ. Thế giới này đẹp tới mức ngôn ngữ của ta cũng không thể diễn tả được".

Cập nhật: 07/04/2021 Theo Pháp luật và bạn đọc
  • 582