Ngôi làng Italy nổi lên giữa mặt hồ sau 70 năm

  •  
  • 313

Làng Curon nổi giữa hồ Resia sau 71 năm chìm dưới nước do dự án thủy điện và bị người dân lãng quên.

Curon là ngôi làng ở miền bắc Italy bị nhấn chìm vào năm 1950 để tạo hồ chứa nước cho nhà máy thủy điện. Dấu vết duy nhất của 163 ngôi nhà đã biến mất dưới làn nước là ngọn tháp của nhà thờ thế kỷ 14 nhô trên mặt hồ Resia. Tình trạng cạn nước tạm thời hé lộ hình dáng của ngôi làng bị ngập khi chính quyền địa phương xây đập nước nối hai hồ tự nhiên và mở nhà máy thủy điện.

Tàn tích ngôi làng giữa hồ nước cạn trơ đáy.
Tàn tích ngôi làng giữa hồ nước cạn trơ đáy. (Ảnh: iStock).

Hồ Resia nhanh chóng trở thành địa điểm nổi tiếng nhờ tháp nhọn của nhà thờ bị lãng quên nhô cao giữa hồ. Khoảng 1.000 người bị mất chỗ do ngôi làng ngập nước, trong đó 400 người xây dựng ngôi làng mới ở gần, số còn lại chuyển đi nơi khác.

Ngôi làng nằm ở biên giới giữa Áo và Thụy Sĩ, do đó nhiều cư dân không biết nói hoặc đọc tiếng Italy. Tiếng Đức là ngôn ngữ mẹ đẻ của nhiều người sống ở vùng nam Tyrol, nơi có hồ nước, bởi nơi này từng thuộc về Áo trước Thế chiến II. Điều này trở thành vấn đề khi chính quyền địa phương dán thông báo bằng tiếng Italy để người dân biết nhà của họ sẽ chìm dưới 22 m nước. Kế hoạch xả nước ngập ngôi làng được tiết lộ năm 1940, vì vậy người dân có 10 năm để quyết định chuyển đi đâu.

Tháp nhà thờ giữa hồ nước trước khi bị cạn.
Tháp nhà thờ giữa hồ nước trước khi bị cạn. (Ảnh: iStock).

Các công nhân bắt đầu rút nước hồ cách đây vài tháng. Hồi tháng 4, sau khi lớp băng mỏng tan chảy, khu vực khô cạn hoàn toàn. Nhờ hồ cạn nước, du khách và người dân địa phương có thể đi bộ giữa những công trình ở làng Curon. "Thật kỳ lạ khi đi giữa đống đổ nát của nhà cửa. Tôi cảm thấy tò mò và buồn bã", một người dân tên Lucia Azzolini chia sẻ.

Tuy nhiên, tình trạng này sẽ không kéo dài lâu. Một công ty điện bắt đầu xả nước trở lại hồ cách đây một tuần. Sau hai tuần nữa, hồ nước sẽ đầy trở lại, khiến ngôi làng chìm xuống lần nữa.

Cập nhật: 21/05/2021 Theo VnExpress
  • 313