Chỉ nhờ vào một loại bẫy duy nhất, ngôi mộ này trở thành nấm mồ chôn thây gần trăm kẻ trộm.
Chôn theo đồ tùy táng là một tập tục đã xuất hiện ở Trung Hoa từ rất sớm. Cổ nhân quan niệm rằng, bất kể là Hoàng đế, quý tộc hay thường dân, bách tính, sau khi qua đời đều cần mang theo các vật dụng để bắt đầu cuộc sống ở thế giới bên kia.
Số của cải chôn theo này sẽ được chuẩn bị và sắp xếp tùy theo điều kiện kinh tế của chủ nhân ngôi mộ lúc còn sống.
Đây cũng là lý do mà những lăng mộ của vua chúa, quý tộc Trung Quốc xưa thường chứa không ít vàng bạc, châu báu và nhiều cổ vật hiếm lạ mà họ yêu quý lúc sinh thời.
Nhưng nhắc tới cổ mộ, ngoài những cổ vật quý của người xưa, hậu thế còn nhớ ngay tới những kẻ trộm mộ. Tại Trung Quốc, đã từng có giai đoạn những ngôi mộ cổ nước này bị mộ tặc tàn phá tới mức "cứ mười mộ thì có chín mộ rỗng".
Tại Trung Quốc, trộm mộ từng trở thành một "vấn nạn" trong suốt nhiều thời đại. (Tranh minh họa).
Nếu ở phương Tây, người ta có thể tốn tới hàng trăm năm để xây dựng giáo đường, thì tại Trung Hoa cổ đại, cũng có không ít Hoàng đế bỏ ra nhiều nhân lực và tài lực để chuẩn bị cho mình một nơi an nghỉ huy hoàng, lộng lẫy.
Thông qua các nguồn sử liệu cũng như nhiều tác phẩm nghệ thuật, không khó để nhận thấy cổ nhân Trung Quốc thờ xưa vẫn luôn dốc hết tâm sức để xây mộ, lại dành ra nhiều tâm huyết để bảo vệ cho nơi an nghỉ của mình tránh bị kẻ khác xâm phạm.
Đây cũng là lý do mà nhiều lăng mộ có kiến trúc, kết cấu kỳ lạ đã ra đời như mộ cổ dưới nước, địa cung trong lòng đất, mộ trong sơn động, mộ nằm trong núi tuyết…
Thế nhưng bắt nguồn từ sự hấp dẫn của lợi ích, những kẻ hành nghề mộ tặc qua nhiều triều đại đã cả gan tới mức mộ nào cũng dám trộm.
Thậm chí có thời kỳ, vua chúa, chính quyền còn phái tướng lĩnh, thuộc hạ của mình tìm kiếm và đào bới những ngôi mộ của cổ nhân.
Bằng chứng là năm xưa, dưới trướng Tào Tháo có một đội quân chuyên đi trộm mộ, được biết tới với tên gọi Mộ Kim Hiệu Úy. Cái tên này cũng đã trở thành cách gọi chung của giới mộ tặc thời bấy giờ.
Tào Tháo khi xưa quanh năm xuất chinh, không có thời gian phát triển kinh tế. Sau đó, ông đã phát hiện ra một cách để kiếm tiền nhanh chóng nhất, đó chính là trộm mộ rồi đem bảo vật đổi lấy tiền.
Số tiền thu được từ những ngôi mộ cổ đã giúp Tào Tháo cung cấp quân lương, mở rộng quân đội và phát triển quân sự.
Từ thời Mộ Kim Hiệu Úy, kỹ thuật trộm mộ đã tương đối phát triển. Đội ngũ này còn phát minh ra xẻng Lạc Dương – một công cụ chuyên dùng để đào bới các ngôi mộ của cổ nhân.
Trộm mộ đã xuất hiện ở Trung Quốc từ rất sớm. Vì thế các kỹ thuật phòng ngừa mộ tặc cũng được cổ nhân phát triển và cải tiến không ngừng, thậm chí đã đạt tới trình độ khiến người hiện đại cũng phải kinh ngạc.
Ngôi mộ từng chôn thây gần trăm tên mộ tặc nằm tại Tương Dương, Hồ Bắc có niên đại hơn 2000 năm tuổi dưới đây chính là minh chứng cho điều đó.
Giới chuyên môn nhận định rằng, lăng mộ này rất có thể là nơi an nghỉ của một vị Hoàng đế. Nhưng cho tới hiện tại, người ta vẫn chưa tìm ra bằng chứng để xác thực thân phận của chủ nhân nơi này.
Điều khiến ngôi mộ khuyết danh ấy trở nên nổi tiếng bắt nguồn từ một phát hiện có phần… ám ảnh!
Khi ngôi mộ được phát hiện, người ta đã thu thập được một lượng lớn các dụng cụ chuyên dùng để trộm mộ, cùng với đó là nhiều đường hầm còn đang đào dang dở.
Chưa dừng lại ở đó, đây còn là nơi chôn vùi 80 bộ hài cốt được khẳng định là của những kẻ trộm mộ. Với số lượng di cốt lên tới gần trăm bộ, ngôi mộ cổ chưa tìm được danh tính chủ nhân này được giới khảo cổ Trung Quốc coi là "ngôi mộ nguy hiểm nhất thiên hạ".
Trong ngôi cổ mộ chưa rõ danh tính chủ nhân này, các nhà khảo cổ đã phát hiện ra hàng chục bộ di cốt của những kẻ mộ tặc. (Ảnh minh họa).
Điểm đáng lưu ý là những bộ hài cốt bên trong mộ Tương Dương vốn không cùng một thời đại. Kết quả giám định mẫu xương sọ cho thấy, bộ thi thể xuất hiện sớm nhất và muộn nhất có niên đại cách nhau cũng gần một nghìn năm.
Trở thành nơi chôn thây của hàng chục kẻ xâm phạm trong suốt nhiều triều đại, thế nhưng điều kỳ lạ nằm ở chỗ, ngôi mộ Tương Dương lại chỉ sử dụng loại bẫy thường gặp nhất vào thời xưa – bẫy cát.
Loại bẫy này được thiết lập bằng cách đổ đầy cát vào bốn phía và phía trên của ngôi mộ. Dựa vào nguyên lý cát chảy, chỉ cần trộm mộ đào đến một độ sâu nhất định thì cát sẽ tự động lún xuống và chôn sống kẻ đó trong nháy mắt.
Nhờ có lớp bảo hộ bằng cát, nên ngôi mộ Tương Dương được bảo toàn tương đối nguyên trạng và trở thành mồ chôn của không ít kẻ xâm phạm.
Tuy nhiên, việc xây dựng một ngôi mộ có bẫy cát hoàn chỉnh tới vậy đòi hỏi trình độ thiết kế và thi công rất cao.
Mặc dù cho tới ngày nay, danh tính chủ nhân của cổ mộ Tương Dương này còn chưa được tiết lộ nhưng nhiều người tin rằng, người nằm trong của ngôi mộ được mệnh danh là "nguy hiểm nhất thiên hạ" ấy không phải là nhân vật tầm thường.