Để giải quyết tình trạng rác thải nhựa gây ô nhiễm môi trường biển, các nhà khoa học Mỹ đã phát triển một dạng nhựa polymer mới có độ bền cao trong nước biển nhưng có thể phân hủy nhanh chóng khi tiếp xúc với ánh sáng cực tím (tia UV) trong ánh nắng.
Theo nhóm nghiên cứu, ngành công nghiệp đánh bắt cá thương mại đóng góp khoảng 50% lượng rác thải nhựa trôi nổi trên đại dương. Trong số đó, dây câu đặc biệt có thời gian tồn tại rất lâu trong môi trường biển khi mất tới 600 năm để phân hủy, lâu hơn nhiều so với túi nhựa vốn cần khoảng 20 năm để phân hủy.
Lưới, dây câu cá và dây thừng là những nguồn rác nhựa chính gây ô nhiễm môi trường biển.
Vì vậy, các chuyên gia tại Đại học Cornell đã dành ra 15 năm để điều chỉnh công thức của iPPO - một loại nhựa đã xuất hiện từ năm 1949, nhằm tối ưu hóa độ bền cơ học và tăng tốc độ phân hủy của nó. Nhờ đó, nhựa iPPO mới cải tiến được khẳng định là giải pháp thay thế thân thiện hơn với môi trường biển, khi vừa đảm bảo tính ổn định trong quá trình sử dụng thông thường, vừa có khả năng phân hủy sinh học nhanh hơn trong điều kiện thích hợp. Trưởng nhóm Bryce Lipinski cho biết trong trường hợp ngư cụ làm từ nhựa iPPO thất lạc trên biển, chúng sẽ tự phân hủy theo thời gian, nhờ đó làm giảm lượng nhựa tích tụ trong môi trường biển.
Kết quả thử nghiệm iPPO mới cho thấy sau 30 ngày liên tục phơi dưới tia UV, lưới polymer cấu thành từ nhựa này đã phân hủy 25% khối lượng ban đầu. Các chuyên gia đang tiếp tục cải tiến kỹ thuật nhằm tạo ra loại nhựa phân hủy 100% bằng tia UV.