Người bác sĩ chế tạo máy nội soi

  •  
  • 679

Đó là bác sĩ Nguyễn Phước Huy, Phó Giám đốc Bệnh viện Mắt Cao Thắng (TP.HCM), người vừa vinh dự đón nhận danh hiệu Asians of the year 2006 do hãng thông tấn Media Corp- Singapore bình chọn.

Cùng được bình chọn trong chương trình này còn có 8 nhân vật, sự kiện tiêu biểu của châu Á có nhiều đóng góp cho sự phát triển của khoa học, trong đó có các tên tuổi như BR. Shuntaro Hida - Giám đốc của Hibakusha Counselling Centre (Nhật Bản); GS Arff Bongso và nghiên cứu sinh Mark Richards (Đại học Quốc gia Singapore)...

Tốt nghiệp y khoa chuyên ngành tai mũi họng năm 1988, BS Nguyễn Phước Huy về công tác tại Bệnh viện huyện Hồng Ngự (Đồng Tháp) và gắn bó tại đây 17 năm. Trong điều kiện cơ sở vật chất thiếu thốn của y tế cơ sở ông đã trăn trở rất nhiều, từ đó đặt những bước đầu tiên vào con đường nghiên cứu khoa học nhằm cải tiến trang thiết bị phục vụ yêu cầu chữa bệnh của người dân.

BS Nguyễn Phước Huy bên máy nội soi do ông sáng chế (Ảnh: TTO)

Ông kể lại rằng năm 1999, được theo học một khóa về phẫu thuật nội soi. Lúc đó, ông và đồng nghiệp chỉ được “học chay” qua màn hình chứ không được sờ vào máy (vì giá thành máy quá cao từ 50.000-100.000 USD sợ bị hư). Đến năm 2000, ông lại được cơ quan cử đi tập huấn thêm một khóa nội soi nữa. Lại thêm một lần “học chay”. Do vậy, kiến thức lĩnh hội được chỉ “xếp xó” chứ không thể áp dụng vào công việc.

Lượng bệnh nhân tuyến dưới quá tải, trang thiết bị lại không đáp ứng yêu cầu, đường sá xa xôi, nhiều lúc ông rất đau lòng khi chứng kiến bệnh nhân phải chuyển viện trong tình trạng nguy kịch. Trước thực tế thúc bách ấy, nhiều đêm ông tự hỏi, nếu ngồi... chờ thì biết đến bao giờ mới có được trang thiết bị cần thiết. Và tình cờ, một hôm ngồi trước máy vi tính ông chợt lóe lên ý tưởng làm sao đưa máy tính ứng dụng vào kỹ thuật nội soi. Từ ý tưởng lóe lên này đã dẫn dắt ông đến với công trình nghiên cứu, chế tạo máy nội soi made in Vietnam.

Ông bắt đầu nghiên cứu công trình này từ năm 2001. Nhiều người đã bóng gió xa xôi rằng, ông mò kim đáy biển. Nhưng với sự nhiệt tình, lòng đam mê và cả những thách thức của dư luận đã buộc ông không thể quay trở lại. Ông đã tự mình mày mò, bí đến đâu gỡ đến đó, vận dụng kiến thức ở các lĩnh vực khoa học, miệt mài qua nhiều đợt thử nghiệm, chế tạo thử và cải tiến trong điều kiện không mấy thuận lợi. Với gần 200 triệu đồng chi phí cho công trình, đến năm 2003 hệ thống máy nội soi hoàn chỉnh đầu tiên đã ra đời. Trong năm này, ông cũng đã nhận được giấy chứng nhận bản quyền tác giả và được Tổng LĐLĐ VN trao tặng danh hiệu Lao động Sáng tạo trong phong trào thi đua yêu nước.

BS Huy cho biết công trình này, ngoài việc đáp ứng được các tiêu chuẩn kỹ thuật của máy nội soi hiện đại quốc tế đang có mặt trên thị trường như hình ảnh màu, rõ nét, nó có 2 ưu điểm nổi bật khác: được cài mạch để chỉnh được độ sáng tối của camera; điều chỉnh được độ trung tâm và phóng đại của hình ảnh nội soi. Đây là 2 ưu điểm mà hệ thống máy nội soi trên thế giới chưa đáp ứng được. Trong khi đó, giá thành của chiếc máy này chỉ bằng 1/5 so với máy ngoại nhập.

Nhưng thực tế, “đứa con mình mang nặng đẻ đau” của BS Huy dù đủ lông đủ cánh vẫn không thể bay xa. Ông quyết định chuyển công tác lên TP.HCM với một tâm nguyện tha thiết là làm sao sáng chế của mình được nhiều người biết đến và có cơ hội phục vụ đông đảo đối tượng là người nghèo. Anh em đồng nghiệp hiểu được khát vọng của ông đã dang rộng vòng tay. Tháng 9-2005, ông khăn gói lên TP.HCM tìm kiếm cơ hội với mong ước đưa sáng chế của mình vào hoạt động thực tiễn. Ông đầu quân về Bệnh viện Mắt Cao Thắng.

Và đến nay, máy nội soi mang thương hiệu Phước Huy đã được nhiều đồng nghiệp sử dụng tại TP.HCM, các tỉnh ĐBSCL và được đánh giá cao. Năm 2007 này, BS Huy và những người bạn có tâm huyết với khoa học đã lập dự án và đi vào chế tạo hàng loạt nhằm đáp ứng nhu cầu của thị trường.

Phát biểu với phóng viên Media Corp, bác sĩ Huy cho biết: “Tôi luôn nghĩ về việc làm sao giúp cho bệnh nhân có hoàn cảnh khó khăn trên toàn cầu hưởng được lợi ích từ thiết bị kỹ thuật cao với chi phí chấp nhận được”. Nếu công trình này sớm được áp dụng rộng rãi vào thực tiễn thì sẽ giải được nhanh chóng bài toán nâng cao chất lượng mạng lưới y tế cơ sở, đưa kỹ thuật cao đến tận vùng sâu vùng xa và giảm bớt chi phí cho bệnh nhân một cách dễ dàng.

NGUYÊN HÀ

Theo Người Lao Động, Tuổi trẻ
  • 679