Người cổ đại có chân vòng kiềng

  •  
  • 795

Chân dung một thành viên thuộc nhóm người cổ robust australo-pithecines. (Ảnh: mc.maricopa)

Kích thước não và khả năng đứng thẳng là hai trong số những nhân tố chính tách loài người ra khỏi nhóm các linh trưởng lớn. Giờ đây, các nhà nghiên cứu cho biết để học được cách đi trên hai chân, hàng triệu năm trước họ đã phải rất cố gắng.


Một cuộc tái kiểm tra xương mắt cá chân của những người cổ đại đã chỉ ra rằng dáng đi của họ không ổn định như các nghiên cứu trước kia phỏng đoán. Họ bị vòng kiềng.

Các nhà nghiên cứu đã tìm hiểu những mẫu vật thuộc nhóm người robust australopithecines sống cách nay khoảng 2 triệu năm. So với chúng ta, họ có những chiếc răng lớn hơn và cơ nhai mạnh mẽ hơn, một hộp sọ khỏe mạnh với bộ não nhỏ hơn.

Đôi chân họ được xem là rất giống với người hiện đại, chứng tỏ họ từng đi trên hai chân. "Chúng tôi nhận thấy trong các mẫu vật về robust australopithecines, có những đặc điểm ở mắt cá chân đã ảnh hưởng đến lối đi trên hai chân này", Gary Schwartz, một nhà nhân chủng học tại Đại học bang Arizona, nói.

"Bằng việc xem xét vị trí mà xương cẳng chân gối lên xương mắt cá, chúng tôi phát hiện thấy xương cẳng chân sẽ phải cong vào bên trong", Gary tiết lộ.

Hóa thạch về tổ tiên của loài người đã hiện diện từ 6 triệu năm trước. Song các nhà khoa học tin rằng giống người Homo chỉ xuất hiện cách nay 1,8 triệu năm - thời điểm mà australopithecines có thể đã tiến hóa thành giống người cổ Homo habilis, có bộ não lớn hơn nhưng không bao giờ vượt quá não của đứa trẻ 12 tuổi ngày nay.

Schwartz đã so sánh xương mắt cá chân cổ đại của nhiều loài thuộc nhóm australopithecines với xương mắt cá của các loài gorilla, tinh tinh và con người ngày nay. Kết quả tìm được ủng hộ ý kiến cho rằng tư thế đi bằng hai chân chỉ tiến hóa một lần duy nhất. Và sự chuyển tiếp đó không hề dễ dàng.

T. An

Theo VnExpress/LiveScience
  • 795