Một tai nạn xe máy ở Italia đã khiến trái tim của một người đàn ông tự xoay bên trong cơ thể và di trú tới phía phải ngực của ông. Đây là một chấn thương vô cùng nghiêm trọng, nhưng bệnh nhân đã may mắn sống sót.
Theo tạp chí New England Journal of Medicine, các bác sĩ tại khoa cấp cứu tại bệnh viện gần nơi xảy ra tai nạn đã tiếp nhận bệnh nhân nam 48 tuổi nói trên. Họ phát hiện, trái tim của ông tọa lạc ở vị trí bất thường khi cố gắng nghe tiếng và nhịp đập của tim.
Kết quả chụp X-quang và chụp cắt lớp vi tính (CT) lồng ngực của bệnh nhân hé lộ, trái tim của ông đã quay 90 độ sang phía bên phải.
“Đây là một phát hiện giải phẫu vô cùng thú vị. Tôi chưa từng được chứng kiến điều gì dị thường như vậy”, tiến sĩ Gregory Fontana, lãnh đạo Khoa phẫu thuật tim – lồng ngực thuộc Đại học Lenox Hill (Mỹ), người không tham gia điều trị cho bệnh nhân nam nói trên, phát biểu.
Ảnh chụp X-quang và chụp cắt lớp vi tính hé lộ, trái tim của bệnh nhân tự xoay 90 độ từ bên trái sang bên phải của lồng ngực. (Ảnh: The New England Journal of Medicine)
Tiến sĩ Fontana nói thêm rằng, ông rất ngạc nhiên vì người đàn ông vẫn sống sót sau chấn thương nghiêm trọng đến như vậy. Chuyên gia này giải thích, điều dị thường, độc nhất vô nhị về trường hợp nói trên là, trái tim đã tự quay được xa tới như vậy sang phía khác, trong khi bệnh nhân vẫn tỉnh táo.
Ban đầu, dường như logic khi một số chuyên gia cho rằng, trái tim của người đàn ông nọ đã tự xoay vì cơ thể của ông bị vặn xoắn dữ dội trong tai nạn. Tuy nhiên, tiến sĩ Fontana nhận định, việc tự xoay của trái tim thực tế có thể diễn ra trong nhiều phút, thậm chí cả tiếng đồng sau vụ tai nạn.
Các bạn sĩ khám phá ra rằng, những tổn thương ở lồng ngực của người đàn ông vào thời điểm xảy ra tai nạn đã khiến không khí rò rỉ khỏi hai buồng phổi và tích tụ trong khoang ngực. Nhiều khả năng nhất là, sự tích tụ không khí này đã xô đẩy trái tim, khiến nó di chuyển sang bên phải.
Sau khi tháo rút hết không khí rò rỉ ở khoang ngực, trái tim của bệnh nhân đã quay sang trái. Và khoảng 24 tiếng sau đó, nó đã trở về vị trí ban đầu, bình thường ở bên trái lồng ngực ông.
Ngoài việc thủng phổi, người đàn ông còn bị gãy xương sườn và dập lá lách. Mặc dù bản thân trái tim không bị tổn thương, nhưng việc dịch chuyển vị trí bất thường đã làm tắc nghẽn các mạch máu và làm giảm áp huyết của ông.
Theo tiến sĩ Fontana, mặc dù hiếm gặp nhưng trái tim của ai đó có thể được phát hiện tọa lạc ở bên phải lồng ngực, chẳng hạn như ở những người bị khuyết tật bẩm sinh hoặc ở bệnh nhân bị cắt bỏ buồng phổi phải trong điều trị ung thư, tạo ra khoảng trống cho tim di chuyển tới.
“Các cấu trúc ở phía sau của trái tim và các động mạch chính gắn cố định vào xương sống và mô, nhưng trái tim dường như trôi nổi trong túi màng bao quanh nó. Có thể trạng thái lỏng, chùng nào đó hoặc một tổn thương đối với túi màng bao quanh trái tim sẽ cho phép phần di động của nó tự xoay quanh các phần cố định và dịch chuyển tới phía bên kia của khoang ngực”, ông Fontana giải thích thêm.