Những siêu thực phẩm màu tím như ngô tím, gạo lứt, bắp cải tím, măng tây tím... được dự đoán sẽ chiếm ưu thế vào năm tới. Người Việt tự hào vì cũng có những thứ đó.
Các chuyên gia đến từ Hệ thống siêu thị Whole Foods (Mỹ) đã tiến hành khảo sát thói quen tiêu dùng của khách hàng tại 465 cửa hàng và dự đoán thực phẩm màu tím sẽ chiếm đa số trên các kệ hàng năm 2017.
Trong một thông báo trực tuyến, Whole Foods đã mô tả hiện tượng này: "một xu hướng phát triển nhanh chóng, thực phẩm màu tím, hay còn gọi là siêu thực phẩm rất đa dạng và có khắp nơi bao gồm xúp lơ tím, gạo lứt, măng tây tím, quả cơm cháy, quả acai, khoai lang tím, ngô tím, ngũ cốc...".
Chuyên gia dinh dưỡng Matthew Plowman làm việc tại Cardiff Sports Nutrition cho biết các thực phẩm màu tím mang đến nhiều lợi ích sức khỏe.
"Những lợi ích của chất chống oxy hóa đã được thảo luận và chất này có rất nhiều ở thực phẩm màu tím, vượt cả hàm lượng ở những loại thực phẩm nhiều màu sắc khác. Chất chống oxy hóa giúp phòng ngừa bệnh tật, trẻ lâu, giảm viêm và tốt cho tim. Thế tại sao bạn lại không thử nhỉ?", ông Plowman nhận định.
Các thực phẩm màu tím mang đến nhiều lợi ích sức khỏe.
Về cơ bản, thực phẩm nào có màu càng tối thì hàm lượng chất chống oxy hóa và dinh dưỡng càng cao.
Thực tế, một nghiên cứu sức khỏe và dinh dưỡng đã chỉ ra rằng những người hay ăn rau và hoa quả màu tím thường xuyên sẽ giảm được nguy cơ bị huyết áp cao và duy trì hàm lượng cholesterol ở mức thấp.
Ông Plowman không hề ngạc nhiên khi biết xu hướng thực phẩm năm 2017 là màu tím. Nhưng điều ông trăn trở là làm sao mọi người nhận ra được tầm quan trọng của thực phẩm có màu sắc "thủy chung" này.
"Các chính phủ, các phương tiện truyền thông đại chúng, các chuyên gia dinh dưỡng và những người có tầm ảnh hưởng tới công chúng nên hỗ trợ nâng cao nhận thức về các thực phẩm an toàn và tốt cho sức khỏe, trong đó có thực phẩm màu tím".
Tác dụng sức khỏe của thực phẩm màu tím
Một nghiên cứu năm 2010 của Trường Đại học Porto (Bồ Đào Nha) cho thấy, chất chống oxy hóa anthocyanin có trong quả việt quất có thể giúp ngăn chặn sự tăng trưởng của tế bào ung thư vú.
Một nghiên cứu năm 2014 của các nhà khoa học đến từ Trường Cao đẳng Y tế Chengdu (Trung Quốc) phát hiện anthocyanin trong gạo lức cũng có tác dụng tương tự.
Theo nghiên cứu từ Đại học Ohio (Mỹ), ngô tím có hiệu quả nhất trong việc phòng ngừa ung thư ruột kết.
Các chất chống oxy hóa đã được chứng minh chống lão hóa.
Qua thời gian, tiếp xúc nhiều với tia UVA và UVB trong ánh nắng mặt trời khiến da bị tổn thương. Hàm lượng collagen bị suy giảm khiến cho da mất đi sự đàn hồi, hình thành các nếp nhăn.
Nhưng năm 2009, các nhà khoa học cho biết chất chống oxy hóa anthocyanin trong quả việt quất có tác dụng chống lão hóa, giúp đảo ngược những thiệt hại của tia UV trên da, ngăn chặn sự suy giảm của collagen khi cơ thể già đi.
Người hay ăn rau và hoa quả màu tím thường xuyên sẽ giảm được nguy cơ bị huyết áp cao.
Năm 2008, các nhà nghiên cứu Nhật Bản nhận thấy những con chuột ăn ít anthocyanin trong chế độ ăn có nguy cơ tăng cân nhiều hơn.
Còn năm ngoái, một nghiên cứu khác cũng phát hiện những con chuột béo phì ăn khoai lang tím có thể giảm cân nhiều hơn so với những con chuột ăn chế độ ăn bình thường.
Lí giải cho điều này là do hàm lượng cao chất oxy hóa anthocyanin trong khoai lang tím, giúp kiểm soát hàm lượng leption (hormone quản lý chất béo trong cơ thể).
Một nghiên cứu kéo dài 16 năm ở 16.000 người được công bố trên tạp chí Annals of Neurology cho thấy anthocyanin có tác dụng làm chậm quá trình lão hóa não bộ tới 2,5 năm.
Theo đó, những người tiêu thụ nhiều loại quả mọng giàu anthocyanin có kết quả tốt hơn trong các bài kiểm tra nhận thức.
Anthocyanin có thể giúp bảo vệ cơ tim và các mạch máu khỏi bị lão hóa. Chất này có thể giúp làm trẻ hóa hệ thống tim mạch và giúp phục hồi các mô tim bị hư hỏng.
Thực tế một nghiên cứu kéo dài 18 năm được công bố vào năm 2013 cho thấy, những phụ nữ ăn nhiều hơn 3 phần ăn (1 phần khoảng 74gr) các thực phẩm màu tím trong 1 tuần có thể giảm 32% nguy cơ nhồi máu cơ tim.
Danh sách thực phẩm màu tím được dự đoán lên ngôi vào năm 2017:
Ngô tím có tác dụng chống sưng, viêm, ngăn ngừa ung thư hiệu quả.
Một nghiên cứu của trường Đại học Doshisha (Nhật Bản cho thấy chất anthocyanin ở ngô tím giúp ngăn ngừa bệnh béo phì và bệnh tiểu đường.
Ngoài ra, thực phẩm này còn có tác dụng chống sưng, viêm, ngăn ngừa ung thư hiệu quả do có chứa chất chống ô xy hóa có chức năng bảo vệ các tế bào khỏi các tác nhân gây hại.
Các nhà khoa học cũng khuyến cáo những người bị tim mạch, cao huyết áp cũng nên ăn ngô tím vì loại ngũ cốc này có thể giúp làm chậm quá trình lão hóa của các tế bào.
Khoai lang tím có ích trong việc giúp cơ thể chống lại sự mệt mỏi và tốt cho máu.
Khoai lang thường vốn đã rất tốt cho sức khỏe nhưng khoai lang tím còn tốt hơn nhiều.
Khoai lang tím là loại khoai có phần "thịt" màu tím, giàu protein và axit amin tốt cho tiêu hóa, vitamin A, B,C.... và phốt pho, sắt cùng hơn 10 loại hóa chất tự nhiên khác.
Khoai lang tím có ích trong việc giúp cơ thể chống lại sự mệt mỏi và tốt cho máu, thúc đẩy quá trình thải độc, cải thiện hệ tiêu hóa, phòng ngừa các bệnh dạ dày và đường ruột.
Bắp cải tím có nhiều tác dụng nổi bật như ngăn ngừa ung thư, tăng cường miễn dịch....
Theo các nghiên cứu, bắp cải tím chứa một lượng lớn chất chống ô xy hóa, ít calo, giàu chất xơ, nhiều vitaminA, C, E... và khoáng chất.
Từ đó có thể thấy bắp cải tím có nhiều tác dụng nổi bật như ngăn ngừa ung thư, tăng cường miễn dịch, ngăn ngừa loãng xương, cải thiện viêm loét dạ dày mắt sáng... đồng thời là thực phẩm rất phù hợp với những người đang muốn giảm cân một cách lành mạnh.
Người Hy Lạp và La Mã đã biết sử dụng măng tây tím để cải thiện nhu động ruột.
Theo các chuyên gia dinh dưỡng, măng tây tím được xem là thực phẩm chứa hàm lượng dinh dưỡng rất cao, giúp tăng khả năng miễn dịch chống lại bệnh tật.
Từ xa xưa, người Hy Lạp và La Mã đã biết sử dụng măng tây tím để cải thiện nhu động ruột. Lọai măng này có đặc tính lợi tiểu và nhuận tràng, rất hiệu quả trong việc giúp bài tiết độc tố ra khỏi cơ thể.
Còn ngày nay, măng tây tím được chứng minh chống ung thư, ngừa loãng xương và các vấn đề tim mạch, giảm nồng độ axit trong cơ thể và làm sạch các mô.
Gạo lứt chứa hàm lượng chất chống oxy hóa cao gấp 6 lần so với các loại gạo khác.
"Gạo lứt chứa hàm lượng chất chống oxy hóa cao gấp 6 lần so với các loại gạo khác. Ngoài ra, vitamin B1 và chất xơ có hàm lượng cao hơn rất nhiều trong gạo trắng thông thường", ông Plowman cho biết.
Bản chất gạo lứt là loại không đánh bóng. Trong quá trình xay xát, lớp vỏ lụa được giữ lại nên gạo lứt chứa rất nhiều vitamin nhóm B (B1, B3, B6), vitamin E, magiê, mangan, sắt và chất xơ.
Loại ngũ cốc này cũng có một số thành phần giúp làm giảm cholesterol, giúp giảm cân.